Thông báo trên mạng xã hội Weibo ngày 12/8, CNBG cho biết các dữ liệu từ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I và II cho thấy việc áp dụng liệu trình 3 mũi vaccine phòng COVID-19 sẽ giúp tạo ra những phản ứng miễn dịch mạnh hơn trong nhóm các tình nguyện viên so với liệu trình tiêm 2 mũi, đặc biệt là ở nhóm trên 18 tuổi.
Cũng theo CNBG, không có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ các phản ứng sau tiêm ở nhóm trên 18 tuổi sau khi tiêm mũi 2 và mũi 3. Những phản ứng sau tiêm thường thấy nhất là đau, tiếp đến là nổi ban đỏ, sưng và ngứa ở chỗ tiêm. Trong khi đó, tỷ lệ gặp phản ứng toàn thân nhìn chung thấp và không có sự khác biệt đáng kể giữa nhóm sử dụng vaccine và nhóm dùng giả dược. Các phản ứng thường thấy gồm sốt, mệt mỏi và đi ngoài và đều ở mức độ nhẹ. Với các tình nguyện viên từ 3 đến 17 tuổi, các phản ứng sau tiêm mũi 3 là sốt và đau ở vết tiêm.
Hiệu giá kháng thể trung bình (GMT) sau tiêm là một thước đo miễn dịch quan trọng thể hiện phản ứng kháng thể sau tiêm. Theo dữ liệu thử nghiệm, nhóm từ 18-59 tuổi có GMT trung bình 209,3 sau khi tiêm mũi thứ hai 28 ngày và GMT trung bình là 308,4 sau khi tiêm mũi thứ ba 28 ngày. Ở những người trên 60 tuổi, GMT này lần lượt là 118,2 và 206,2.
Liệu trình tiêm 3 mũi cũng tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh hơn so với liệu trình tiêm 2 mũi ở nhóm tình nguyện viên từ 3-17 tuổi. Tuy nhiên, CNBG lưu ý tuy việc tiêm mũi thứ 3 sẽ giúp bảo vệ người tiêm chống chọi hiệu quả hơn với virus gây bệnh COVID-19 trong dài hạn, nhưng hiện nay việc đảm bảo người dân được tiêm đủ 2 mũi vẫn là mục tiêu quan trọng hơn để giảm nguy cơ lây nhiễm và hình thành bức tường chắn miễn dịch.