Rinat Akhmetov đã chứng kiến đế chế kinh doanh của mình tan tành sau 8 năm xung đột ở miền đông Ukraine nhưng ông vẫn kiên trì niềm tin vào ngày hồi phục. Ông gọi những người trụ lại Mariupol là "những người lính dũng cảm của chúng tôi", những người bảo vệ thành phố ven biển Azov, nơi đã trở thành vùng đất hoang tàn sau 7 tuần pháo kích.
Tuy nhiên, hiện tại công ty Metinvest của ông, nhà sản xuất thép lớn nhất Ukraine, đã thông báo họ không thể thực hiện các hợp đồng cung cấp. Tập đoàn tài chính và công nghiệp SCM của Akhmetov cũng đang phải thanh toán các nghĩa vụ nợ, còn nhà sản xuất điện tư nhân DTEK của ông thì "tối ưu hóa việc thanh toán các khoản nợ của mình" trong một thỏa thuận với các chủ nợ.
"Mariupol là một thảm kịch toàn cầu và là một minh chứng toàn cầu về chủ nghĩa anh hùng. Đối với tôi, Mariupol đã, đang và sẽ luôn là một thành phố của Ukraine", tỷ phú Akhmetov viết khi trả lời bằng văn bản cho các câu phỏng vấn từ hãng tin Reuters.
"Tôi tin rằng những người lính dũng cảm của chúng tôi sẽ bảo vệ thành phố, mặc dù tôi hiểu họ khó khăn và vất vả như thế nào", Akhmetov nói và cho biết thêm rằng ông vẫn tiếp xúc hàng ngày với các nhà quản lý Metinvest, quan chức điều hành các nhà máy sắt thép Azovstal và Illich ở Mariupol.
Hôm 15/4, công ty Metinvest cho biết cuộc bao vây Mariupol đã vô hiệu hóa hơn 1/3 năng lực luyện kim của Ukraine.
Tỷ phú sắt thép ca ngợi "sự truyền cảm hứng và chuyên nghiệp" của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy trong chiến tranh, bất chấp năm ngoái nhà lãnh đạo Ukraine từng phát biểu rằng những người muốn lật đổ chính phủ của ông đã tìm cách dính líu đến doanh nhân này. Khi đó, ông Akhmetov gọi cáo buộc đó là "một lời nói dối hoàn toàn".
Lúc này ông phát biểu: “Chiến tranh chắc chắn không phải là lúc xảy ra xung đột [nội bộ]… Chúng tôi sẽ tái thiết toàn bộ Ukraine". Akhmetov cũng cho biết thêm rằng ông đã trở về đất nước vào ngày 23/2 và vẫn ở lại trong nước kể từ đó.
Akhmetov không cho biết chính xác ông đang ở đâu, nhưng vị tỉ phú sắt thép đã ở Mariupol vào ngày 16/2, ngày mà một số cơ quan tình báo phương Tây dự kiến chiến dịch của Nga sẽ bắt đầu.
"Tham vọng của tôi là trở lại Mariupol của Ukraine và thực hiện các kế hoạch (sản xuất mới) của chúng tôi để thép do Mariupol sản xuất có thể cạnh tranh trên thị trường toàn cầu như trước đây", vị tỉ phú nhấn mạnh.
Tổng thống Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24/2 nhằm phi quân sự hóa đất nước này. Kiev và các đồng minh phương Tây bác bỏ điều đó, coi đây là một cuộc tấn công vô cớ.
Akhmetov, người giàu nhất Ukraine, đã chứng kiến đế chế kinh doanh của mình bị thu hẹp rất nhiều kể từ năm 2014, khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea ở Biển Đen và hai khu vực ở miền đông Ukraine - Donetsk và Luhansk - tuyên bố độc lập khỏi Kiev.
Theo tạp chí Forbes, giá trị tài sản ròng của Akhmetov năm 2013 đạt 15,4 tỷ USD, nhưng hiện chỉ ở mức 3,9 tỷ USD.
Ông nói: "Đối với chúng tôi, chiến tranh đã nổ ra vào năm 2014. Chúng tôi đã mất tất cả tài sản của mình ở Crimea và Donbas”.
"Tôi tin tưởng rằng, với tư cách là doanh nghiệp tư nhân lớn nhất của đất nước, SCM sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc tái thiết Ukraine sau chiến tranh", ông Akhmetov nói và dẫn lời các quan chức cho biết thiệt hại do chiến tranh tại Ukraine đã lên tới 1 nghìn tỷ USD.
"Chúng tôi chắc chắn sẽ cần một chương trình tái thiết quốc tế chưa từng có, một Kế hoạch Marshall cho Ukraine", vị tỉ phú nói, đề cập đến chương trình viện trợ khổng lồ của Mỹ giúp tái thiết Tây Âu sau Thế chiến thứ hai.
"Tôi tin tưởng rằng tất cả chúng ta sẽ xây dựng lại một Ukraine tự do, dân chủ và thành công sau chiến thắng của chúng ta trong cuộc chiến này", Akhmetov bày tỏ.