Theo trang The Guardian (Anh), suốt 2 năm qua, Mohammad Aisha đã phải sống cô độc trên con tàu MV Aman bị bỏ lại ở vịnh Suez, ngoài khơi Ai Cập. Nếu cần sạc điện thoại, mua nước uống hoặc thức ăn, anh phải tự chèo thuyền vào bờ. Người đàn ông chỉ có thể ở lại trên bờ tối đa 2 giờ vì đây là khu vực hạn chế quân sự.
Theo một bác sĩ đã khám cho Aisha, người thủy thủ này đã suy dinh dưỡng và bắt đầu có những triệu chứng tương tự như những tù nhân bị giam giữ trong điều kiện khắc nghiệt nhất.
Mohammad Aisha bắt đầu làm việc trên tàu MV Aman khi con tàu cập cảng Jeddah của Saudi Arabia năm 2017. Nhưng chỉ 2 tháng sau, con tàu đã bị bắt giữ tại Vịnh Suez. Tòa án sau đó ra phán quyết Aisha trở thành người giám hộ hợp pháp của MV Aman, khiến người đàn ông bị ràng buộc trách nhiệm pháp lý với con tàu. Vì vậy, anh không thể rời khỏi con tàu này.
Trong khi các thành viên thủy thủ đoàn khác đã được hồi hương từ tháng 9/2019, Aisha vẫn bị mắc kẹt trên con tàu suốt 2 năm qua với điều kiện sống không khác gì "địa ngục trần gian".
Aisha hy vọng anh sẽ được tự do vào bất cứ ngày nào sau khi một đại diện công đoàn địa phương đồng ý nhận trách nhiệm giám hộ con tàu. Người đàn ông giờ đang chờ đợi từng giây phút, hy vọng giới chức sớm phê chuẩn thoả thuận chuyển giao trách nhiệm, cho phép anh rời tàu, trở về quê nhà ở Syria.
Cách MV Aman vài chục km về phía bắc, thủy thủ đoàn trên con tàu Ever Given cũng đang rơi vào cuộc chiến pháp lý tương tự. Họ hy vọng sẽ tránh được số phận bị giam giữ trên tàu Ever Given như những gì xảy ra với Aisha.
Tình trạng những con tàu và thủy thủ đoàn bị mắc kẹt, hay bị bỏ rơi là điều phổ biến đáng ngạc nhiên. Có nhiều nguyên nhân gây ra sự việc này, như chủ tàu biến mất, tranh chấp tiền lương hoặc vấn đề về quản lý.
Đối với Liên minh Công nhân Vận tải Quốc tế (ITF) và các đối tác thuộc Liên minh Quốc gia về Thuyền viên Ấn Độ (NUSI), ưu tiên trong trường hợp của Ever Given là đảm bảo quyền lợi của 26 thành viên thủy thủ đoàn người Ấn Độ, trong bối cảnh một cuộc chiến pháp lý đang diễn ra xung quanh con tàu. Ever Given đang neo đậu ở Hồ Great Bitter sau khi được giải cứu trên kênh đào Suez vào 2 tuần trước.
Chiến dịch giải cứu tàu Ever Given, từ chỗ là niềm tự hào của người dân Ai Cập, đã trở thành tâm điểm của cuộc chiến pháp lý khi Cơ quan quản lý kênh đào Suez (SCA) yêu cầu chủ tàu bồi thường 916 triệu USD do gây gián đoạn đường thủy nghiêm trọng. Các nhà chức trách Ai Cập đã tạm giữ con tàu. Họ cho biết sẽ tạm giữ Ever Given và thủy thủ đoàn cho đến khi khoản bồi thường được trả đầy đủ. Cuộc chiến giữa SCA với chủ tàu Shoei Kisen Nhật Bản và các công ty bảo hiểm, dường như sẽ còn kéo dài.
Chủ tịch SCA, Osama Rabie, cho biết các chủ sở hữu của Ever Given "không muốn trả bất cứ khoản bồi thường nào".
P&I Club, công ty bảo hiểm của Shoei Kisen, cho biết SCA tới nay vẫn chưa đưa ra lý giải chi tiết thỏa đáng cho yêu cầu bồi thường lên tới gần 1 tỷ USD, trong đó bao gồm 300 triệu USD tiền công giải cứu và 300 triệu USD "tổn hại về uy tín".
Bernhard Schulte Shipmanagement (BSM), đơn vị vận hành tàu Ever Given, cho biết thủy thủ đoàn đang có sức khỏe và tinh thần tốt. Mục tiêu chính của BSM là giải pháp nhanh chóng cho phép con tàu và thủy thủ đoàn rời khỏi kênh đào Suez.
Abdulgani Y Serang, Giám đốc NUSI, tổ chức đại diện quyền lợi cho thuỷ thủ đoàn tàu Ever Given, cho biết phán quyết của tòa án Ai Cập cho phép bắt giữ con tàu, nhưng không đề cập tới tính chuyên nghiệp của các thuyền viên.
“Họ là những thủy thủ chuyên nghiệp và không liên quan tới sự cố lần này. Do đó, không thể giữ họ làm con tin. Họ không nên bị biến thành nạn nhân của vụ việc”, ông Serang nói.
Ông Serang hy vọng ít nhất 3 thủy thủ đoàn, những người chuẩn bị hết hạn hợp đồng, sẽ được hồi hương, để một nhóm thủy thủ đoàn mới thay thế vị trí.
"Chúng tôi không hứng thú với các cuộc đàm phán tài chính và kết quả của quá trình đó. Ưu tiên duy nhất của chúng tôi là yếu tố con người, các thủy thủ trên tàu. Chúng ta cần chăm sóc sức khỏe thể chất cũng như tinh thần của họ", ông Serang nhấn mạnh.
Mohamed Arrachedi, một điều phối viên tại ITF, cho biết tình trạng của những người đi biển hiếm khi được ưu tiên mặc dù họ có vai trò thiết yếu trong nền thương mại toàn cầu.
Thủy thủ đoàn chính thức bị bỏ rơi nếu như chủ tàu không thể trang trải chi phí hồi hương, không trả lương, hoặc trốn tránh trách nhiệm hỗ trợ thủy thủ đoàn từ hai tháng trở lên.
Theo Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), có ít nhất 31 vụ bỏ rơi thủy thủ đoàn trong giai đoạn tháng 1 đến 8/2020, với 470 thuyền viên liên quan. Tính từ 2004, con số này là 438 vụ với 5.767 thuyền viên.
Tại Vịnh Suez, những trường hợp bị bỏ rơi lâu ngày như Mohammed Aisha không phải là ngoại lệ. Thuyền trưởng người Thổ Nhĩ Kỳ, Vehbi Kara, cũng đã bị bỏ rơi trên tàu MV Kenan Mete vào tháng 6 năm ngoái. Anh đã hết thức ăn và nước uống.
Còn Aisha trên tàu MV Aman vẫn đang chờ tự do. Do thiếu điện và không có nước sạch, những sinh hoạt cơ bản như sử dụng nhà vệ sinh, giặt quần áo có thể mất nửa ngày, bởi Aisha phải múc nước biển.
"Trên tàu, không có lịch trình gì cả. Đôi lúc tôi đi xung quanh trên boong tàu. Tôi thử làm mọi điều có thể để phân tâm khỏi cơn ác mộng này", anh Aisha nói.
Người đàn ông cho biết anh cảm thấy đang bị những người có trách nhiệm bỏ rơi, từ nhà chức trách Ai Cập, chủ tàu, cho tới Chính phủ Bahrain, quốc gia mà con tàu MV Aman mang cờ.
"Chủ tàu biết những gì tôi đang phải trải qua. Nhưng họ không có trách nhiệm và đạo đức. Những gì họ quan tâm là con tàu này không còn mang lại lợi nhuận nữa, còn người sống trên còn tàu ấy không còn ý nghĩa gì. Người ấy có thể chết từ từ, đau đớn và chủ tàu không hề quan tâm", Aisha nói.