Theo hãng tin RT, danh tính của thủy thủ trên không được tiết lộ theo điều lệ của Hải quân Mỹ. Chỉ biết, người đàn ông này đã lên boong tàu hôm 17/7.
Các đội tìm kiếm của hàng không mẫu hạm USS Abraham Lincoln và tàu tuần dương USS Leyte Gulf đang tìm kiếm thủy thủ gặp nạn. Tàu khu trục Mendez Nunez của Tây Ban Nha và tàu Aslat của Pakistan cũng tham gia hỗ trợ.
Thông tin về vụ thủy thủ Hải quân Mỹ bị mất tích xuất hiện trong bối cảnh phía Chính quyền Tổng thống Donald Trump vừa tuyên bố tàu tấn công đổ bộ USS Boxer của nước này đã tiến vào Vịnh Ba Tư và bắn rơi một máy bay không người lái của Iran tại Eo biển Hormuz để tự vệ.
Phát biểu tại Nhà Trắng ngày 18/7, ông Trump cho biết chiếc máy bay này đã tiến gần tàu của Mỹ và không dừng lại bất chấp nhiều lời cảnh báo từ phía Mỹ, đe dọa tới đến sự an toàn của tàu Boxer cũng như thủy thủ đoàn. Chính vì vậy, máy bay này ngay lập tức bị phá hủy. Đây được coi là động thái mới nhất làm gia tăng căng thẳng vốn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt giữa Washington và Tehran.
Tuy nhiên, cùng ngày, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cho biết ông chưa nhận được thông tin về việc máy bay không người lái của nước này bị bắn hạ.
Tàu sân bay Abraham Lincoln cùng đội tàu hộ tống đã được triển khai đến vùng biển “nóng” này từ tháng 5 – thời điểm căng thẳng giữa Washington và Iran trở nên leo thang. Nhiệm vụ của nhóm tàu này là diễn tập “các chiến dịch tấn công giả định” nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng Mỹ tấn công Iran.
Trong chương trình diễn tập, phi đội bay trên tàu Abraham Lincoln đã tham gia tập trận chung với các máy bay ném bom chiến lược B-52 của Không quân Mỹ. (Xem video tàu chiến và máy bay chiến đấu của Mỹ tập trận trên Biển Arab. Nguồn: RT)
Quan hệ giữa Mỹ và Iran trở nên căng thẳng từ tháng 5/2018 khi Tổng thống Trump tuyên bố đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 và tái áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào nền kinh tế của quốc gia Trung Đông này.
Đặc biệt, quan hệ hai nước đã lên đến cao trào sau vụ Iran bắn rơi máy bay do thám không người lái của Mỹ trên Eo biển Hormuz hôm 20/6. Mặc dù đã rút lại quyết định không kích trả đũa ngay phút chót nhưng ông chủ Nhà Trắng vẫn áp đặt nhiều lệnh cấm vận nhằm vào các quan chức hàng đầu Iran. Phía Tehran đã đáp trả Mỹ bằng cách rút khỏi một số cam kết hạt nhân quan trọng nhất và vượt ngưỡng làm giàu urani cho phép.
Ngày 10/7, trong một động thái bất ngờ, đài Sputnik (Nga) đưa tin Mỹ đã đề nghị bình thường hóa mối quan hệ đối địch của nước này với Iran, đổi lại việc Tehran có những bước đi tương xứng liên quan tới tham vọng hạt nhân.
Đài Sputnik (Nga) dẫn một thông cáo báo chí của Đại sứ Mỹ tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Jackie Wolcott cho biết Washington đã chính thức đề nghị Tehran bình thường hóa hoàn toàn các mối quan hệ. Đổi lại, Iran cần cam kết đảo ngược các bước đi gần đây trong chương trình hạt nhân và dừng mọi kế hoạch đẩy mạnh hoạt động làm giàu urani.
Trong khi đó, kênh truyền hình Press TV dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi ngày 10/7 cho hay Tehran vẫn để ngỏ cánh cửa ngoại giao và đàm phán hạt nhân.