Người dân Iran đang phải hứng chịu 'khủng bố kinh tế'

Ngoại trưởng Iran Javad Zarif ngày 17/7 khẳng định người dân nước này đang phải hứng chịu "khủng bố kinh tế" hết sức tồi tệ. 

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Iran Javad Zarif tại phiên họp cấp cao của Hội đồng Kinh tế và Xã hội về phát triển bền vững tại trụ sở LHQ ở New York, Mỹ ngày 17/7. Ảnh: THX/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại New York, phát biểu tại phiên họp cấp cao của Hội đồng Kinh tế và Xã hội về phát triển bền vững tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ), Ngoại trưởng Iran nêu rõ chính sự bất ổn và những mối đe dọa trong khu vực, do những hành động khủng bố, quá khích và bạo lực, dưới sự tài trợ của nước ngoài đã làm phương hại đến những nỗ lực của Iran. Người dân Iran phải hứng chịu "khủng bố kinh tế" hết sức tồi tệ - vốn được tạo dựng nhằm đạt được những mục đích chính trị không chính đáng.

Ngoại trưởng Iran nhấn mạnh những biện pháp trừng phạt kinh tế mà Mỹ áp đặt đối với nước Cộng hòa Hồi giáo vi phạm Nghị quyết 2231 của HĐBA LHQ, tạo ra mối đe dọa lớn nhất đối với việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Iran cũng như nhiều nước khác trong khu vực. Vì vậy, cần duy trì cam kết đối với chủ nghĩa đa phương và đoàn kết toàn cầu, theo đó, các nước phát triển phải xem lại cam kết tạo dựng môi trường thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững đối với tất cả các nước, khu vực cũng như trên toàn thế giới. 

Theo nhà ngoại giao hàng đầu Iran, bất chấp những khó khăn do các biện pháp trừng phạt đơn phương bất hợp pháp gây ra, Iran vẫn đạt bước tiến đáng kể trong việc trao quyền và tạo ra sự bình đẳng cho người dân. Không chỉ vậy, Iran còn xóa bỏ nạn mù chữ, giáo dục miễn phí cho người dân. 
Đề cập đến việc Mỹ áp đặt hạn chế đi lại đối với ông cũng như các quan chức ngoại giao Iran và thân nhân đang sinh sống ở New York,  Ngoại trưởng Zarif khẳng định đây là hành động "phi nhân đạo". Trước đó, LHQ cũng bày tỏ quan ngại về động thái trên của Mỹ. 

Trong khi đó, truyền thông Trung Đông dẫn lời Ngoại trưởng Zarif tuyên bố Tehran không có lựa chọn nào khác ngoài việc phát triển hệ thống tên lửa đạn đạo vì mục đích phòng vệ.

Quan hệ giữa Mỹ và Iran trở nên căng thẳng kể từ tháng 5/2018 khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga Trung Quốc và Đức) và tái áp đặt các lệnh trừng phạt Tehran. Tình hình diễn biến xấu trong hơn hai tháng qua khi Mỹ tăng cường sức ép nhằm ngăn chặn hoàn toàn hoạt động xuất khẩu dầu mỏ, ngành kinh tế chủ lực của Iran. Trong khi đó, Iran cũng quyết định điều chỉnh phạm vi tuân thủ thỏa thuận hạt nhân kể từ đầu tháng 7.

Hải Vân - Ngọc Hà (TTXVN)
Chặn nguồn dầu Iran, phương Tây càng đẩy Syria vào gần Nga?
Chặn nguồn dầu Iran, phương Tây càng đẩy Syria vào gần Nga?

Vụ việc Anh bắt giữ một tàu chở dầu của Iran ngoài khơi Gibraltar tuần trước với cáo buộc tàu Iran chở dầu lậu sang Syria có thể khiến Damascus chuyển hướng sang Nga để tìm lời giải cho tình trạng thiếu nhiên liệu trầm trọng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN