Trước câu hỏi của các nhà báo và sự quan ngại của người Kurrd và người Thổ Nhĩ Kỳ tị nạn tại Thụy Điển, Thủ tướng Andersson nói: "Tôi đã là một bộ trưởng trong 8 năm và tôi chưa bao giờ nói về những gì được trao đổi trong các phòng đàm phán". Bà không cho biết liệu có một cam kết nào được đưa ra với Ankara để đổi lại việc nước này ủng hộ quốc gia Bắc Âu gia nhập NATO.
Trong một thỏa thuận được Thụy Điển và Phần Lan ký kết tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid, Tây Ban Nha, ngày 28/6 vừa qua, hai nước Bắc Âu này đã đồng ý xem xét các yêu cầu dẫn độ của Thổ Nhĩ Kỳ "một cách nhanh chóng và kỹ lưỡng". Không có lời hứa nào về việc dẫn độ được đưa ra, trong khi Phần Lan và Thụy Điển lưu ý rằng tiến trình này do các cơ quan có thẩm quyền và các tòa án độc lập thực hiện.
Tuy nhiên, ngày 30/6, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết Thụy Điển đã "hứa sẽ dẫn độ 73 phần tử khủng bố". Nhà lãnh đạo Ankara cảnh báo sẽ ngăn cản hai nước trên gia nhập NATO nếu các cam kết không được thực hiện.
Tháng trước, Phần Lan và Thụy Điển đã chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO. Thổ Nhĩ Kỳ khi đó đã bày tỏ ý kiến phản đối, cho rằng hai nước này chứa chấp các đối tượng có liên quan tới đảng Công nhân người Kurd (PKK) mà Ankara đặt ngoài vòng pháp luật và những nhân vật ủng hộ Giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc đứng sau vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7/2016.