Với tỷ lệ 58 phiếu thuận và 40 phiếu chống, các nghị sĩ đảng
Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ ngày 14/2 đã ngăn cản việc phê chuẩn quyết
định của Tổng thống Mỹ Barack Obama đề cử ông Chuck Hagel làm tân Bộ trưởng Quốc phòng nước này.
Thượng viện Mỹ chưa phê chuẩn đề cử ông Chuck Hagel làm tân Bộ trưởng Quốc phòng. Ảnh Internet |
Động thái này khiến
việc đề cử ông Hagel rơi vào tình trạng lấp lửng trong bối cảnh Thượng
viện Mỹ chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ kéo dài một tuần.
Với kết
quả trên, các nghị sĩ đảng Dân chủ đã không thể vượt qua rào cản về mặt
thủ tục do các nghị sĩ Cộng hòa dựng lên sau khi yêu cầu có thêm thời
gian để cân nhắc năng lực của ông Hagel cũng như nhận được những giải
đáp về các vấn đề liên quan đến tài chính của cựu nghị sĩ này và về vụ
tấn công vào lãnh sứ quán Mỹ tại Benghazi (Libi) hồi tháng
9/2012. Theo luật định, ông Hagel cần nhận được 60 phiếu thuận tại
Thượng viện để có thể được bổ nhiệm làm nhà lãnh đạo tiếp theo của Lầu
Năm Góc. Phiên bỏ phiếu tiếp theo để phê chuẩn ông Hagel do đó bị dời
lại khoảng 10 ngày khi Thượng viện quay trở lại làm việc.
Các nghị sĩ đảng Dân chủ đã tỏ ra tức giận trước kết quả trên khi cho
rằng lần đầu tiên trong lịch sử, rào cản về mặt thủ tục đã được phe Cộng
hòa sử dụng nhằm hoãn thông qua quyết định đề cử Bộ trưởng Quốc phòng.
Phát biểu trước báo giới, Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Harry
Reid lấy làm tiếc trước quyết định trên, mô tả đây là một trong những
"viễn cảnh đáng buồn nhất" mà ông chứng kiến trong suốt 27 năm làm việc
tại Thượng viện. Ông Reid cũng khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ ông Hagel
tiếp quản vị trí ông chủ Lầu Năm Góc, thay Bộ trưởng sắp mãn nhiệm Leon Panetta. Trong khi đó, trả lời trong một chương trình hỏi
- đáp của Google+, Tổng thống Obama cùng ngày cũng bày tỏ hy vọng quyết
định đề cử ông Hagel sẽ được Thượng viện thông qua trong phiên bỏ phiếu
vào ngày 26/2 tới.
Ông Hagel là cựu Thượng nghị sĩ đảng
Cộng hòa và từng tham chiến tại Việt Nam. Ông đã rời Thượng viện
năm 2008 sau khi vấp phải sự chỉ trích từ nhiều chính trị gia của
phe Cộng hòa do những hành động bị coi là chống lại các lợi
ích của đồng minh Israel như bỏ phiếu phản đối việc Mỹ áp lệnh
trừng phạt với Iran hay ủng hộ mở cuộc đàm phán trực tiếp với phong
trào Hamas của Palestine, từ chối ký vào bức thư kêu gọi Liên
minh châu Âu (EU) đưa nhóm Hezbolla vào danh sách khủng bố. Vì
lý do này, đề cử của Tổng thống Barack Obama đối với ông
Hagel gặp phải không ít hoài nghi, thậm chí cả những chỉ trích gay gắt
từ phía các Thượng nghị sĩ của cả hai đảng, những người có quan hệ mật
thiết với các nhóm lợi ích ủng hộ Israel.
TTXVN/Tin Tức