Thượng nghị sĩ John McCain đồng thời cho rằng Mỹ cần cùng đồng minh đương đầu với hành động này của Trung Quốc để tìm kiếm một giải pháp hòa bình.
Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain. Ảnh: Reuters |
Theo hãng tin Reuters, trong khi phát biểu tại Sydney (Australia), thượng nghị sĩ McCain nhận xét Trung Quốc đang bành trướng khắp toàn cầu và điều này được thể hiện rõ qua việc quân sự hóa các đảo mà nước này bồi đắp (trái phép) ở Biển Đông.
Thượng nghị sĩ 80 tuổi khẳng định các động thái này của Trung Quốc đã vi phạm luật quốc tế.
Phát biểu của thượng nghị sĩ McCain có thể sẽ làm leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc khi mà chỉ vài ngày nữa đoàn đại biểu của hai quốc gia này sẽ tham dự một hội nghị an ninh khu vực tổ chức tại Singapore. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ lại đang muốn Trung Quốc hợp tác trong việc giải quyết chương trình hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên.
Mỹ ước tính rằng trong vòng 3 năm qua, Trung Quốc đã bồi đắp (trái phép) thêm 1.300 ha đất lên 7 đảo tại Biển Đông để xây đường băng cho máy bay, cảng biển, nhà chứa phi cơ và dựng thiết bị liên lạc.
Để phản đối lại sự hung hăng của Trung Quốc, Mỹ đã thực hiện những cuộc tuần tra hàng hải tự do trên Biển Đông. Gần đây nhất là cuộc tuần tra do tàu USS Dewey của Mỹ thực hiện vào ngày 24/5 gần Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam ở Biển Đông.
Các đồng minh của Mỹ như Australia từng từ chối tham gia tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông. Do vậy, mặc dù ông McCain không kêu gọi Australia cùng Mỹ tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông nhưng thượng nghị sĩ này nhấn mạnh các đồng minh của Washington nên cùng hợp tác để tìm giải pháp hòa bình.
Theo phán quyết công bố ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài ở La Haye (Hà Lan), yêu sách của Trung Quốc về "các quyền lịch sử" đối với các vùng biển nằm trong "đường 9 đoạn" là trái với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).
Phán quyết của Tòa Trọng tài khẳng định Trung Quốc không có căn cứ lịch sử nào về vùng biển ở Biển Đông và Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý để đưa ra những tuyên bố về "các quyền lịch sử" đối với những nguồn tài nguyên trong cái mà Bắc Kinh gọi là "đường 9 đoạn".
Liên quan tới vấn đề Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần nhấn mạnh: “Việt Nam khẳng định có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử về chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Vì vậy, mọi việc làm của các bên khác trên quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa mà không có sự đồng ý của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị".