13 năm trước, Ralph Norman trở thành một nạn nhân của bạo lực súng đạn tại Mỹ. Trên đường đi ăn mừng lễ tốt nghiệp trung học, anh và những người bạn của mình dừng lại ở một trạm xăng bên ở ngoại ô New York. Lúc đó, họ vô tình mắc kẹt vào làn đạn của một vụ xả súng gần đó. Norman bị bắn trúng cổ. Và sau 14 giờ trong phòng phẫu thuật, anh thoát chết nhưng phải đối diện với thực tế là bị liệt tứ chi.
Anh chỉ có thể cử động vai và đầu chút ít, và phải nhờ người trợ giúp 24 giờ mỗi ngày để ăn, đánh răng, chải đầu, tắm rửa và nằm nghỉ. Ai đó cũng cần dọn sạch nước bọt tích tụ trong ống thở thì Norman mới có thể thở được. Trong một thời gian dài, anh đã giấu kín lý do khiến mình phải ngồi xe lăn là gì.
"Cho đến cách đây hai năm, tôi chưa bao giờ nói rằng mình bị đạn bắn. Tôi luôn nói là tai nạn xe hơi vì tôi cảm thấy xấu hổ. Thời gian đầu, tôi bị người khác cho là thuộc các băng đảng tội phạm", anh Norman chia sẻ. Nếu nhắc đến bạo lực súng đạn, anh sẽ bị kỳ thị.
Sau nhiều năm trầm cảm, anh quyết định tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người kém may mắn giống anh.
Giờ đây, anh ấy có thể sử dụng máy tính thông qua một thiết bị được điều khiển bằng miệng và mỗi tối đều tham gia trò chuyện qua video với các nạn nhân súng đạn khác trên khắp nước Mỹ. Cùng nhau, họ chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận về những thực tế và hạn chế mà họ gặp phải.
Họ cũng thường xuyên thảo luận về tin tức thời sự, trong đó có cả vụ xả súng trường học ở Nashville hôm 27/3 khiến 6 người thiệt mạng.
Chỉ riêng trong năm 2020, bạo lực súng đạn đã cướp đi mạng sống của trên 45.000 người ở Mỹ. Theo dữ liệu chính thức, hơn một nửa trong số đó là tự sát.
Các nhà chức trách cho biết tác động kinh tế của bạo lực súng đạn ở Mỹ đã gây thiệt hại hàng chục tỷ USD về chi phí y tế và sụt giảm năng suất.
Thế nhưng có rất ít cuộc thảo luận về những nạn nhân còn sống sót.
Theo nghiên cứu của bác sĩ Elinore Kaufman thuộc khoa chấn thương của Trung tâm Y tế Penn Presbyterian ở Philadelphia, trong khoảng thời gian từ năm 2009 đến 2017, số vụ thương tật do súng đạn gây ra cao gấp đôi so với số vụ tử vong.
Tại cơ sở này, 7 trong số 10 bệnh nhân nhập viên vì súng đạn là do bị tấn công. 2 trong số 10 người là do tự sát.
Kaufman nói: “Tôi không nghĩ vấn đề này được nhiều người biết. Nạn nhân có thể phải chịu những vết thương thay đổi cuộc sống của họ hoàn toàn và vĩnh viễn". Một nửa bệnh nhân bị chứng rối loạn lo âu hoặc trầm cảm sau chấn thương.
Khi mới 10 tuổi, ông Oronde McClain được các nhân viên y tế tuyên bố là đã ngừng tim trong 2 phút 17 giây.
Ông bị bắn vào sau đầu trong lúc cố gắng tìm chỗ ẩn nấp trong một vụ xả súng ở Philadelphia. McClain đã phải học lại cách đi đứng và nói chuyện.
Bàn tay phải của ông bị liệt một phần. Điều này khiến ông ấy gặp rắc rối ở trường học, đặc biệt là vì bạn bè trêu chọc.
"Tôi đã cố tự tử 22 lần vì không biết phải làm gì trên thế giới này", ông nói. Nhưng người đàn ông hiện là cha của 5 đứa trẻ này đã học xong trung học và đại học. Ông quyết định sẽ cống hiến cho cộng đồng của mình.
"Khi tôi đang giúp đỡ một nạn nhân sống sót khác, đó cũng là giúp đỡ chính tôi”, người đàn ông này bày tỏ. Đầu của McClain có nhiều vết sẹo, ông bị chứng đau nửa đầu và run rẩy. Nhưng những ký ức bị tổn thương mới là điều tồi tệ nhất.
McClain, giống như rất nhiều người ở Mỹ, tin rằng chính phủ cần phải đưa ra quy định kiểm soát súng đạn chặt chẽ hơn là cần thiết: "Tất cả chúng ta phải làm việc cùng nhau. Chính trị gia, cảnh sát và tất cả mọi người. Nếu làm việc cùng nhau, chúng ta có thể ngăn chặn điều đó”.