Cô Lim Kyung-nan chia sẻ với hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc): “Tôi không thể đến thư viện bởi thường tan làm rất muộn. Bên cạnh đó, thư viện thông minh hoạt động liên tục ngay cả khi các thư viện khác phải đóng cửa vì giãn cách xã hội”.
Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, giãn cách xã hội và hạn chế tiếp xúc đã trở thành bình thường mới ở Hàn Quốc. Thư viện thông minh cũng mọc lên ngày càng nhiều bởi khách hàng như cô Lim Kyung-nan cảm thấy thoải mái hơn khi sử dụng dịch vụ mượn sách tự động này. Thư viện thông minh là tên gọi của máy cho mượn sách tự động.
Bà Lee Song-ja tại Văn phòng tỉnh Gyeonggi nhận định: “Thư viện thông minh được xây với mục đích nâng cao cách tiếp cận của mọi người với sách, đó là lý do bạn có thể thấy chúng ở những nơi như nhà ga tàu điện ngầm. Nhưng thực tế là thư viện thông minh đã bùng nổ hơn từ xu hướng không tiếp xúc”.
Theo dữ liệu mới nhất từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc, đã có 62 thư viện thông minh được xây dựng dựa trên nguồn ngân sách của cơ quan này. Trong năm 2020, 62 thư viện thông minh được sử dụng hơn 1,24 triệu lần, tăng 62,6% so với năm 2019.
Một quan chức tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc-ông Kwon Tae-wook nhận định: “Nhu cầu đối với thư viện thông minh tăng hàng năm. Chúng tôi tin rằng dịch vụ này sẽ phát triển ngay cả sau dịch COVID-19 do vậy chúng tôi đang đẩy mạnh hỗ trợ”.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc dự kiến lắp đặt 38 thư viện thông minh trong năm 2022. Với 32 thư viện thông minh được xây dựng năm 2021, tổng số thư viện thông minh do chính phủ Hàn Quốc tài trợ sẽ tăng lên 132. Ông Kwon cũng bổ sung rằng ngân sách dành cho thư viện thông minh cũng tăng 25%.
Chính quyền các địa phương cũng đẩy mạnh lắp đặt thêm thư viện thông minh. Tỉnh Gyeonggi gần đây thông báo sẽ lắp đặt thêm 15 thư viện thông minh trong năm nay, nâng tổng số thiết bị này tại địa phương lên 110 chiếc. Các thành phố như Daegu, Daejeon, Gwangyang và Seosan cũng xác nhận họ sẽ xây thư viện thông minh trong năm nay.
Thành phố Seongnam còn nâng cấp dịch vụ thư viện thông minh bằng việc từ tháng 3 sẽ vận hành “thư viện di động”. Theo đó, thư viện thông minh với hơn 100 đầu sách sẽ được lắp đặt trên một phương tiện và di chuyển dọc các tuyến đường. Seongnam còn lên kế hoạch khởi động dịch vụ phát sách bằng máy bay không người lái.
Người đứng đầu Viện Nghiên cứu Sách và Xã hội Hàn Quốc Baek Won-keun cho biết sự phát triển của thư viện thông minh cùng các dịch vụ cho thuê sách không tiếp xúc khác là đáng hoan nghênh, đặc biệt ở thời điểm Hàn Quốc đang diễn ra tình trạng suy giảm văn hóa đọc.
Theo nghiên cứu mới nhất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc, số người trưởng thành đọc sách tại nước này trong năm 2020 đã giảm xuống chỉ còn 47,5%. Người trưởng thành Hàn Quốc đọc khoảng 4,5 cuốn sách trong năm 2020, giảm 3 cuốn so với 2019.
Ông Baek Won-keun cũng bác bỏ lo lắng rằng thư viện tự động sẽ làm mất đi việc làm tại các thư viện truyền thống. Ông phân tích: “Trong quá khứ, mọi người phải đến thư viện để mượn sách nhưng ngày nay, dù đó là dịch vụ có tiếp xúc trực tiếp hay không thì các thư viện vẫn đang cố gắng thu hút thêm độc giả. Các thủ thư vẫn bận rộn dù giảm độc giả đến trực tiếp bởi họ còn xử lý các chương trình trên Youtube, mạng trực tuyến để bắt kịp với xu thế không tiếp xúc”.
Dịch COVID-19 lèm theo quy định giãn cách xã hội đã khiến hoạt động tại các thư viện gián đoạn. Trong năm 2020, thư viện công cộng tại Hàn Quốc chỉ mở trong 187 ngày, giảm so với 294 ngày của 2019. Năm 2020, số độc giả đến thư viện công cộng cũng chỉ ở mức 76.431 người/thư viện, giảm 69,5% so với 2019.
Giáo sư Cho Yong-wan tại Đại học Công giáo Daegu nhận định: “Thư viện công cộng không còn là địa điểm để mọi người đến mượn sách, nó còn đóng vai trò trung tâm văn hóa cộng đồng với các hoạt động đa dạng dành cho mọi người. Thư viện thông minh không thể đóng vai trò này”.
Ông Cho Yong-wan cũng cho rằng độc giả lựa chọn thư viện thông minh sẽ bị hạn chế về đầu sách hơn các thư viện truyền thống. Thư viện thông minh thường chỉ có khoảng 300-500 cuốn sách. Do đó, ông kết luận: “Thư viện thông minh chỉ được coi là công cụ bổ trợ, không thể coi là dịch vụ thư viện chính”.