Một sáng mùa Xuân nhiều mưa tại Muncie, Indiana (Mỹ), một phụ nữ trung tuổi da trắng hẹn gặp người phụ nữ chuyển giới có tên Charlize Jamieson. Khởi đầu của cuộc hội thoại không mấy thuận lợi. Charlize Jamieson đã đến trước và chờ đợi, khi gặp người bạn hẹn, cô đứng dậy và giơ tay ra bắt nhưng người phụ nữ trung tuổi đã từ chối và nói: “Tôi muốn cô biết rằng tôi thuộc đạo Cơ đốc bảo thủ”. Charlize Jamieson đáp: “Tôi theo đạo Cơ đốc tự do. Hãy cùng nói chuyện”.
Cuộc gặp dự kiến chỉ kéo dài trong 30 phút nhưng trên thực tế đã diễn ra trong một tiếng đồng hồ. Cuộc hội thoại kết thúc khi người phụ nữ trung tuổi chủ động đứng dậy và ôm người phụ nữ chuyển giới. Bà nói: “Cảm ơn. Điều này thật tuyệt vời”.
Cuộc gặp này do tổ chức phi lợi nhuận “Thư viện Con người” tổ chức miễn phí. “Thư viện Con người” tạo điều kiện để các cá nhân được “mượn người” thay vì mượn sách. Mỗi “người sách” trong thư viện đại diện cho một nhóm người phải đối mặt với định kiến bởi phong cách sống, niềm tin, chủng tộc hoặc do khiếm khuyết của họ. Họ có thể là người theo đạo Hồi, người vô gia cư…
“Thư viện Con người” tổ chức các sự kiện trực tiếp hoặc trực tuyến nơi “những câu hỏi hóc búa được đặt ra, được trân trọng và sẽ có câu trả lời”. Các nhà tổ chức cho biết họ cố gắng khuyến khích mọi người không nên đánh giá người khác vì vẻ bề ngoài của họ.
Các cuộc gặp thường kết nối những người dường như “trái dấu". Ví dụ như nhà hoạt động nữ quyền gặp gỡ một phụ nữ đạo Hồi đeo khăn trùm đầu hijab và câu hỏi được đặt ra là việc vận trang phục này là do lựa chọn hay bắt buộc. Hoặc một nhà hoạt động chống biến đổi khí hậu gặp gỡ với cá nhân cho rằng hiện tượng ấm lên toàn cầu chỉ là trò lừa.
Charlize Jamieson chia sẻ cô đồng ý trở thành một “cuốn sách” trong “Thư viện Con người” bởi muốn khuyến khích sự đồng cảm.
“Thư viện Con người” được hình thành cách đây 21 năm bởi nhà báo người Đan Mạch Ronni Abergel. Ông Ronni Abergel sinh ra và lớn lên tại Đan Mạch nhưng sống ở Mỹ với tư cách sinh viên trao đổi. Ông tự hỏi rằng liệu một thư viện con người có thể đưa mọi người đến gần với nhau như thư viện truyền thống hay không.
Ý tưởng của Abergel trở thành đột phá. “Thư viện Con người” đã tổ chức các sự kiện ở trên 80 quốc gia, ở các thư viện, bảo tàng, trường học. “Thư viện Con người” còn sở hữu trên 1.000 “cuốn sách” nói được 50 thứ tiếng.
Ông Abergel đánh giá mọi người nên có đối thoại với những người khác để có thể nhìn thế giới theo góc độ mới.
Dịch COVID-19 đã củng cố thêm tầm quan trọng của “Thư viện Con người”. Hầu hết các sự kiện được tổ chức trực tiếp một cách truyền thống nhưng các nhà tổ chức đã thích nghi chuyển sang trực tuyến khi dịch COVID-19 ập đến khiến mọi thứ thay đổi.
Gần đây “Thư viện Con người” tổ chức một buổi họp trực tuyến với chủ đề cách khôi phục sự liên kết của con người vốn đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Cuộc họp mở đầu khi người dẫn chương trình xuất hiện và tự giới thiệu là “thủ thư”.
"Thủ thư" chia sẻ với 43 “độc giả” rằng họ có thể đặt ra bất cứ câu hỏi nào, miễn đó là những câu hỏi có sự tôn trọng. Mỗi “độc giả” có 30 phút để đặt câu hỏi cho một “cuốn sách con người”.
Cuộc họp có tổng cộng 8 “quyển sách” với các chủ đề từ tự kỷ, chuyển giới, dân tộc thiểu số, đạo Hồi và hoạt động vì da màu. Sự kiện trực tuyến đã tạo ra sự gần gũi bất ngờ khi “độc giả” gật gù đồng ý hoặc nở nụ cười khuyến khích với các “cuốn sách” đang lật các trang về cuộc đời của họ. Đây cũng là minh chứng cho thấy internet đã đem mọi người đến gần với nhau.