Khuyến cáo này được đưa ra trong bối cảnh quốc gia châu Đại Dương này ghi nhận trường hợp thứ ba mắc COVID-19 liên quan tới một nhân viên ở biên giới.
Phát biểu họp báo, Thủ tướng Ardern nêu rõ: "Đến cuối tháng 4, những người chưa được tiêm chủng sẽ không được phép làm việc tại những nơi có rủi ro cao và sẽ được điều chuyển sang vị trí công tác khác". Bà cho biết hiện đã có khoảng 86% nhân viên biên giới được tiêm phòng.
New Zealand gần như đã loại bỏ được virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 và không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng trong hơn 40 ngày. Tuy nhiên, nước này đã ghi nhận một ca dương tính với virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng hồi tuần trước. Trường hợp này là một nhân viên làm việc ở biên giới và người này đã 2 lần nhỡ lịch tiêm vaccine ngừa COVID-19. Hai trường hợp khác mắc COVID-19 liên quan đến nhân viên trên cũng đã được ghi nhận.
New Zealand đã bắt đầu triển khai tiêm chủng cho các nhân viên làm việc ở biên giới và tại các cơ sở cách ly cùng gia đình của họ bằng vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer (Mỹ)-BioNTech (Đức) trong giai đoạn đầu tiên. Tới nay, đã có hơn 90.000 người được tiêm chủng. Ngày 7/4 vừa qua, New Zealand đã quyết định cấm nhập cảnh tạm thời đối với tất cả hành khách, bao gồm cả công dân nước này, khởi hành từ Ấn Độ trong khoảng 2 tuần sau khi số ca mắc mới gia tăng mạnh ở quốc gia Nam Á này.
* Trong khi đó, Australia không còn đặt mục tiêu tiêm chủng cho gần 26 triệu dân vào cuối năm 2021 sau khuyên cáo những người dưới 50 tuổi nên tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer (Mỹ)/BioNTech (Đức) thay vì vaccine của AstraZeneca (Anh-Thụy Điển).
Trên mạng xã hội Facebook ngày 11/4, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết nước này không có kế hoạch đặt ra bất kỳ mục tiêu mới nào để hoàn thành chương trình tiêm chủng. Ông Morrison cho biết: "Mặc dù chúng tôi muốn hoàn tất chương trình tiêm chủng vào cuối năm nay, nhưng không thể đặt được những mục tiêu như vậy do có nhiều yếu tố không chắc chắn". Nhà lãnh đạo này cũng cho biết tới nay đã có khoảng 1,16 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 đã được sử dụng.
Tuần trước, giới chức Australia đã thay đổi khuyến nghị về việc tiêm chủng vaccine của Pfizer/BioNTech cho người dưới 50 tuổi, sau khi Cơ quan Dược phẩm của Liên minh châu Âu (EMA) công bố các kết quả đánh giá mới nhất cho thấy có mối liên hệ giữa vaccine của AstraZeneca với hiện tượng đông máu ở một số trường hợp. Tuy nhiên, EMA khẳng định đây là phản ứng phụ hiếm gặp của vaccine và lợi ích của việc tiêm chủng vẫn cao hơn rất nhiều so với những nguy cơ hy hữu này. EMA cũng cho rằng nhà sản xuất nên bổ sung thông tin vào phần lưu ý tác dụng phụ của vaccine. EMA nhận được báo cáo về 169 trường hợp có hiện tượng đông máu sau tiêm trong tổng số 34 triệu người đã được tiêm vaccine tại châu Âu, chủ yếu là phụ nữ dưới 60 tuổi.
Australia triển khai tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 muộn hơn so với một số quốc gia khác, một phần vì số ca nhiễm thấp. Kể từ khi dịch bùng phát, quốc gia châu Đại Dương này ghi nhận chưa tới 29.400 người mắc, với 909 ca tử vong. Quốc gia đã chạy đua để tăng gấp đôi đơn đặt hàng vaccine của Pfizer vào tuần trước, ban đầu có kế hoạch tiêm chủng cho toàn bộ người dân vào cuối tháng 10. Giám đốc Y tế Paul Kelly cho biết Australia sẽ có 40 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNTech vào cuối năm nay, đủ để tiêm chủng cho tất cả người trưởng thành.