Nhân viên Ủy ban bầu cử Italy tiến hành kiểm phiếu trưng cầu dân ý về Hiến pháp cải cách tại Rome ngày 4/12. Ảnh: AFP/TTXVN |
Thủ tướng Italy Matteo Renzi đã thừa nhận thất bại và tuyên bố từ chức ngay sau khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý tại nước này ngày 4/12 được công bố với chiến thắng áp đảo của phe nói "Không" với cải cách hiến pháp. Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ, có tới 59,43% cử tri bỏ phiếu phản đối cải cách hiến pháp trong khi chỉ có 40,57% ủng hộ.
Sau khoảng 1.000 ngày lãnh đạo đất nước, Thủ tướng Matteo Renzi, 41 tuổi, vị thủ tướng trẻ nhất lịch sử nước Cộng hòa Italy, ngày 5/12 tuyên bố sẽ đệ đơn từ chức lên Tổng thống Sergio Mattarella trong phiên họp của chính phủ sắp tới.
Kết quả trưng cầu dân ý được coi là một thắng lợi cho nhiều đảng phái đối lập ở nước này, dẫn đầu là Phong trào 5 sao (M5S) theo chủ nghĩa dân túy. Lãnh đạo M5S, Beppe Grillo kêu gọi một cuộc bầu cử càng sớm càng tốt. Mục tiêu của M5S là sẽ giành chiến thắng trong kỳ tổng tuyển cử sắp tới và tiếp đến là xem xét lại mối quan hệ giữa Italy và Liên minh châu Âu (EU).
Theo các cuộc thăm dò trước cuộc trưng cầu dân ý, hiện nay M5S là phong trào chính trị lớn thứ 2 tại Italy chỉ sau đảng Dân chủ (PD) trung hữu của Thủ tướng Matteo Renzi.
Lãnh đạo đối lập thuộc Liên đoàn phương Bắc (Lega), vốn có chủ trương chống người nhập cư, Matteo Salvini cũng kêu gọi phải tiến hành bầu cử trước thời hạn ngay lập tức.
Tuy nhiên, một cuộc bầu cử trước thời hạn khó có thể diễn ra do sự phản đối trong quốc hội. Trong những ngày tới, Tổng thống Mattarella sẽ đóng vai trò rất quan trọng. Ngay từ tuần này, Chính phủ Italy, một chính phủ kỹ trị, sẽ phải nhanh chóng thành lập. Một trong những nhiệm vụ đầu tiên là đảm bảo thông qua ngân sách quốc gia 2017. Rất nhiều cái tên đã được nhắc tới, trong đó Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pier Carlo Padoan sẽ là một ứng cử viên tiềm năng cho vị trí thủ tướng.
Theo ANSA, việc Thủ tướng Renzi tuyên bố từ chức ngay sau thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý cải cách hiến pháp, đã tạo ra cú "sốc" mới tại Liên minh châu Âu (EU), đồng thời tạo đà cho chủ nghĩa dân túy tiếp tục phát triển.
Sau sự kiện Anh quyết định rời khỏi EU hay còn gọi là Brexit và thắng lợi của tỷ phú Donald Trump trong cuộc bầu cử Mỹ, chiến thắng áp đảo của phe nói "Không" với cải cách hiến pháp ở Italy đang tạo ra mối quan ngại về "một hiệu ứng Domino" có thể xảy ra những kết quả bất ngờ đối với các cuộc bầu cử tại Hà Lan, Pháp và Đức trong năm 2017. Đồng thời, những bất ổn chính trị trong chính trường cùng những thách thức khủng hoảng kinh tế kéo dài tại Italy có thể làm đảo lộn toàn bộ khu vực châu Âu.