Ngày 17/10, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã yêu cầu tạo điều kiện để 3 nhà máy điện hạt nhân còn lại tại nước này tiếp tục hoạt động đến giữa tháng 4/2023.
Trước đó, Đức có kế hoạch chấm dứt sử dụng năng lượng hạt nhân vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cuộc xung đột Ukraine và giá năng lượng tăng cao, Berlin đã phải cân nhắc lại kế hoạch này. Hãng tin AFP (Pháp) dẫn nội dung lá thư của ông Scholz gửi tới các bộ trưởng trong Nội các nêu rõ chính phủ sẽ sớm tạo điều kiện pháp lý để cho phép các nhà máy điện hạt nhân Isar 2, Neckarwestheim 2 và Emsland có thể duy trì hoạt động qua ngày 31/12/2022 đến 15/4/2023.
Trước đó, Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck, từ đảng Xanh, đề xuất chỉ duy trì hoạt động của 2 trong số 3 nhà máy hạt nhân kể trên tới mùa Xuân năm sau để giúp đảm bảo nguồn cung năng lượng nếu cần thiết. Tuy nhiên, đảng Dân chủ Tự do (FDP) thuộc liên minh cầm quyền, đề xuất duy trì hoạt động của cả 3 nhà máy. Các cuộc đàm phán sau đó trong nội bộ liên minh cầm quyền đã không thể mang lại tiếng nói chung. Trong bối cảnh đó, tuyên bố mới nhất của Thủ tướng Scholz cho thấy ông đã chủ động can thiệp để chấm dứt thế bế tắc này.
Nội dung lá thư có đoạn nêu rõ ông Scholz sẽ sử dụng quyền ban hành chỉ thị của thủ tướng để xúc tiến kế hoạch trên, yêu cầu các Bộ Kinh tế, Môi trường và Tài chính tạo cơ sở pháp lý để duy trì hoạt động của 3 nhà máy điện hạt nhân. Các bộ liên quan hoàn tất soạn thảo các quy định và trình lên nội các sớm nhất có thể. Ngoài ra, trong thư, ông Scholz cũng yêu cầu bộ phối hợp để đưa ra một dự luật "tham vọng" nhằm tăng hiệu quả năng lượng, xúc tiến luật hóa thỏa thuận nhằm loại bỏ than đá vào năm 2030.