Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của tân Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, người vừa nhậm chức đứng đầu Chính phủ Trung Quốc hồi tháng 3 vừa qua. Lễ đón chính thức Thủ tướng Trung Quốc sẽ được tiến hành sáng 20/6 trước khi hai bên bước vào tham vấn để thảo luận các biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa sự hiểu biết, chia sẻ và hợp tác song phương.
Theo truyền thông Đức, Trung Quốc muốn nhân dịp này thúc đẩy hợp tác giữa hai nước, vượt qua những khác biệt mà hai bên đang phải đối mặt. Thủ tướng Lý Cường mong muốn khai thác tiềm năng hợp tác, làm phong phú thêm nội hàm quan hệ đối tác chiến lược giữa hai bên. Đại sứ quán Trung Quốc tại Berlin dẫn lời Thủ tướng Lý Cường nêu rõ, thế giới ngày nay đang ở trong giai đoạn mới của sự thay đổi và hỗn loạn, và điều cần thiết trong những thời điểm như hiện nay là người dân ở Trung Quốc và ở Đức cần tiếp tục duy trì truyền thống hữu nghị song phương.
Thủ tướng Trung Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì tình hữu nghị cũng như củng cố sự hợp tác với Đức; khẳng định, trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, Trung Quốc sẵn sàng "cùng khai thác các tiềm năng hợp tác, giải quyết một cách thích đáng những bất đồng và khác biệt, đồng thời làm phong phú thêm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện" giữa hai nước. Trung Quốc đồng thời kỳ vọng vào một "tín hiệu tích cực mạnh mẽ đối với các chuỗi cung ứng và công nghiệp quốc tế ổn định cũng như hòa bình và thịnh vượng của thế giới".
Cùng Thủ tướng Lý Cường tới Đức tham dự cuộc tham vấn Chính phủ còn có 9 thành viên nội các Trung Quốc. Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương không tới Đức tham dự vòng tham vấn lần này do lịch đón tiếp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Thủ tướng Scholz trước đó đã lên tiếng hoan nghênh chuyến công du Trung Quốc của ông Blinken, coi đây là "dấu hiệu tốt trong việc bình thường hóa các mối quan hệ đang rất cần thiết". Thủ tướng Đức cũng hoan nghênh vòng tham vấn cấp Chính phủ giữa hai nước Đức-Trung Quốc, nhấn mạnh tầm quan trọng của các cuộc làm việc này.
Một ngày trước khi bước vào vòng tham vấn cũng đã diễn ra các cuộc tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp giữa một số bộ ngành hai bên. Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner đã có cuộc hội đàm hiệu quả với người đồng cấp Trung Quốc Lưu Côn, thảo luận về "những thách thức hiện tại đối với nền kinh tế thế giới" cũng như việc bảo vệ và cải thiện "trật tự quốc tế dựa trên luật lệ".
Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach trao đổi quan điểm với đồng nghiệp Trung Quốc về các chính sách y tế. Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cũng đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc Tần Cương. Trên mạng xã hội Twitter, Ngoại trưởng Baerbock nói rằng việc Đức và Trung Quốc có quan điểm khác biệt không ngăn cản hai bên tìm kiếm trao đổi về những điểm chung cũng như những khác biệt trong nhiều vấn đề, trong đó có hợp tác kinh tế và chống biến đổi khí hậu.
Dự kiến, chủ đề chính của vòng tham vấn thứ 7 này sẽ là cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và tái cơ cấu nền kinh tế. Bên cạnh đó, hai bên cũng có thể đề cập tới cuộc xung đột Ukraine-Nga, trong đó Trung Quốc đang nỗ lực làm trung gian hòa giải nhằm giải quyết cuộc xung đột này. Sau vòng tham vấn ở Berlin, phái đoàn Trung Quốc sẽ tới München (bang Bayern) để gặp các đại diện doanh nghiệp Đức.