Theo đài RT, Thủ tướng Olaf Scholz nhấn mạnh mọi thứ đang được thực hiện để ngăn chặn một cuộc đụng độ trực tiếp giữa NATO và Moskva.
Chính phủ Đức không thực hiện bất kỳ bước đơn phương nào khi cung cấp vũ khí cho Ukraine và chỉ hành động phối hợp với các đồng minh - ông Scholz khẳng định trong cuộc họp tại tòa thị chính bang miền tây Rhineland-Palatinate vào ngày 1/5. Ông nói thêm, Berlin dự định sẽ tuân thủ chính sách đó trong tương lai.
“Điều quan trọng đối với chúng tôi là vũ khí mà chúng tôi cung cấp cho Ukraine để tự vệ không được sử dụng trong các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga", Thủ tướng Đức nói.
Ông nhấn mạnh thêm, mặc dù hỗ trợ vũ khí cho Kiev, trong đó có xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2, Berlin cũng đang làm mọi cách để tránh leo thang xung đột, có thể dẫn đến đụng độ trực tiếp giữa NATO và Moskva.
Tuy vậy, tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius từng lập luận rằng việc Ukraine thực hiện các cuộc tấn công bên trong lãnh thổ Nga để "cắt các tuyến đường tiếp tế" và vì các lý do quân sự khác là "hoàn toàn bình thường". Ông Pistorius nhấn mạnh rằng dân thường không nên bị nhắm mục tiêu trong các cuộc tấn công đó. Bộ trưởng Quốc phòng Đức không nói gì về nguồn gốc của các loại vũ khí mà Kiev có thể sử dụng trong các chiến dịch tấn công như vậy.
Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine vào tháng 2/2022, các khu vực Bryansk, Belgorod và Kursk của Nga, tất cả đều giáp Ukraine, đã trở thành mục tiêu của nhiều cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa, bị Nga cáo buộc là do Kiev tiến hành.
Moskva cho rằng các cuộc tấn công đó nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng và khu dân cư, dẫn đến một số thường dân thiệt mạng và nhiều người bị thương, đồng thời phá hủy các tài sản.
Một trong những cuộc tấn công xuyên biên giới nguy hiểm nhất đã diễn ra ở Vùng Bryansk hôm 30/4, với vụ pháo kích vào làng Suzemka từ một hệ thống tên lửa phóng loạt khiến 4 thường dân thiệt mạng và 2 người khác bị thương.
Moskva từ lâu đã cảnh báo rằng họ coi việc Ukraine sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để tấn công bên trong lãnh thổ Nga là “lằn ranh đỏ”. Nga cũng lập luận rằng, sự hỗ trợ mà Mỹ, Anh, Đức và các đồng minh cung cấp cho Kiev, bao gồm cung cấp vũ khí và đạn dược, huấn luyện quân đội Ukraine và chia sẻ thông tin tình báo, trên thực tế đã khiến các quốc gia này cũng trở thành các bên tham gia cuộc xung đột.
Hồi tháng 3, tờ Spiegel cho biết Đức có kế hoạch tăng viện trợ quân sự cho Ukraine, từ 3 tỷ euro lên tổng cộng hơn 15 tỷ euro trong vài năm tới. Ngay sau đó, Phát ngôn viên điện Kremlin Peskov tuyên bố Berlin đang ngày càng dính líu vào xung đột giữa Ukraine và Nga khi tiếp tục gia tăng viện trợ quân sự cho Ukraine.
Trước đó, vào cuối tháng 1, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã thông báo quyết định gửi xe tăng chiến đấu tiên tiến Leopard 2 cho Ukraine. Mục tiêu ban đầu của chính phủ Đức là sẽ thành lập 2 tiểu đoàn xe tăng Leopard 2 cho Ukraine. Tiểu đoàn đầu tiên, gồm 14 xe tăng Leopard 2 A6, sẽ do quân đội Đức cung cấp từ kho dự trữ vũ khí của Đức, phần còn lại sẽ do các nước châu Âu khác hỗ trợ. Bên cạnh việc cung cấp xe tăng, quân đội Đức còn tiến hành đào tạo binh sĩ Ukraine, bảo đảm việc vận chuyển, đạn dược cũng như bảo dưỡng các xe tăng này.