Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện những quan ngại rằng tập đoàn viễn thông khổng lồ của Trung Quốc có thể phục vụ các hoạt động gián điệp.
Phát biểu ngày 18/12 với các nghị sĩ Đức khi bà được hỏi liệu Bắc Kinh có phải đang gây sức ép cho Berlin để phớt lờ những khuyến cáo về việc cấm Huawei tham gia vào phát triển các mạng lưới di động 5G của Đức hay không, Thủ tướng Merkel nêu rõ: "Tôi không thấy bất kỳ sức ép nào từ các nhà chức trách Trung Quốc".
Bất chấp sự phản đối kịch liệt của Mỹ và các nước đồng minh, Đức hiện vẫn không cấm Huawei tham gia phát triển mạng di động thế hệ mới 5G ở nước mình. Thủ tướng Merkel tái khẳng định rằng Berlin sẽ chú ý đến các tiêu chuẩn an ninh nghiêm ngặt, song không ngăn cản các công ty tư nhân nào. Bà nhấn mạnh: "Tôi phản đối việc loại một công ty nào đó, song tôi ủng hộ việc làm mọi cách có thể để đảm bảo an ninh".
Tuy nhiên, những người chỉ trích đã cáo buộc rằng Đức - quốc gia dựa vào xuất khẩu - đang tìm cách làm hài lòng Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của mình và đặt lợi ích kinh tế lên trên hết. Khác với Đức, những nước như Australia và Nhật Bản đã có những bước đi nhằm cấm hoặc siết chặt hạn chế Huawei tham gia mạng 5G ở nước mình. Đầu tháng trước, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng "bóng gió" rằng Anh sẽ làm tương tự.
Tập đoàn Huawei đã kịch liệt bác bỏ các cáo buộc cho rằng thiết bị của họ có thể trở thành công cụ do thám. Trong một thông báo mới nhất, Chủ tịch Huawei Lương Hoa (Liang Hua) cho biết công ty đang xúc tiến kế hoạch phát triển các linh kiện riêng của mình tại một khu vực ở châu Âu, sau khi tập đoàn công nghệ khổng lồ này bị tác động nặng nề từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Trả lời phỏng vấn báo giới, ông Lương Hoa nhấn mạnh: "Trong kỷ nguyên công nghệ 5G, chúng tôi không còn phụ thuộc vào nguồn cung ứng chíp và các linh kiện khác từ các công ty Mỹ nữa", Huawei cần phải đa dạng hóa cơ sở cung ứng của mình. Theo ông Lương Hoa, hiện công ty đang tiến hành một nghiên cứu tính khả thi để mở nhà máy tại châu Âu, quyết định lựa chọn quốc gia cụ thể nào để đặt nhà máy sản xuất sẽ tùy thuộc kết quả khảo sát.
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết Bắc Kinh phản đối việc Mỹ lạm dụng khái niệm an ninh quốc gia và kiểm soát xuất khẩu để can thiệp và hạn chế các trao đổi thông thường và hợp tác giữa các doanh nghiệp. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi có tin cho biết Chính phủ Mỹ đang chốt danh sách các quy định hạn chế xuất khẩu công nghệ tinh vi sang Trung Quốc. Phát biểu tại họp báo thường kỳ, ông Cảnh Sảng kêu gọi Trung Quốc nên thúc đẩy lòng tin và hợp tác giữa hai nước.