Theo phóng viên TTXVN tại Đức, trong phát biểu mới nhất, Thủ tướng Merkel cảnh báo những tuần mùa Đông sắp tới có thể sẽ là giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch. Thủ tướng Đức cho rằng các biện pháp phòng chống dịch tuy rất ngặt nghèo, song vẫn buộc phải thực hiện.
Theo bà Merkel, mục tiêu của các biện pháp nghiêm ngặt là giảm đáng kể số ca nhiễm mới, qua đó lực lượng chức năng có thể theo dõi chuỗi lây nhiễm và điều này sẽ giúp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Việc quyết tâm hành động cũng sẽ giúp nhanh chóng khôi phục tình trạng kiểm soát và cũng sẽ rút ngắn thời gian phải áp dụng các biện pháp hạn chế.
Nhà lãnh đạo Đức cũng khẳng định có lý do chính đáng để hy vọng vào việc cải thiện dịch bệnh khi tiến trình tiêm chủng ở Đức đã bắt đầu. Bà khẳng định tuy có sợ khởi đầu chậm, song tốc độ tiêm chủng sẽ tăng lên và trong vài tháng nữa sẽ có đủ vaccine để tiêm chủng cho tất cả mọi người ở Đức. Thủ tướng Merkel cũng bảo vệ kế hoạch đặt mua vaccine của Liên minh châu Âu, cho rằng đây là con đường đúng đắn bởi không một quốc gia nào được an toàn nếu các nước láng giềng còn sự tồn tại của virus.
Thông báo của Viện Dịch tễ Robert Koch (RKI) cho biết tính đến ngày 9/1 đã có trên 500.000 người Đức được tiêm mũi thứ nhất trong số 2 mũi vaccine phòng COVID-19 của công ty BioNTech/Pfizer, với trung bình khoảng 40.000 mũi được tiêm mỗi ngày ở quốc gia 83 triệu dân. Theo Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Jens Spahn, những người được tiêm chủng sẽ không thể lựa chọn loại vaccine do tình trạng khan hiếm vaccine hiện nay.
Trong khi đó, một số bang ở Đức cho biết sẽ giữ nguyên các biện pháp hạn chế ngặt nghèo hiện nay cho tới ít nhất ngày 31/1, ngoài ra các biện pháp cũng sẽ được siết chặt thêm tại một số điểm nóng của dịch. Trong 24 giờ qua, Đức tiếp tục ghi nhận thêm hơn 21.500 ca nhiễm mới và 826 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm từ đầu dịch lên trên 1,9 triệu ca và 40.300 ca tử vong. Hiện trên cả nước Đức có 85 quận/huyện trên tổng số trên 400 quận/huyện có chỉ số lây nhiễm vượt quá 200 ca/100.000 dân trong 7 ngày, trong đó thủ đô Berlin có 4 quận.
Cùng ngày, Nhật Bản thông báo đã ghi nhận thêm 7.790 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm trên cả nước lên 283.385. Trong số đó có 827 ca nghiêm trọng và có thêm 59 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Nhật Bản lên 4.035 ca. Đáng chú ý, Nhật Bản có thêm 1.000 ca tử vọng chỉ trong 18 ngày từ khi "làn sóng thứ ba" bùng phát, cao gấp nhiều lần so với giai đoạn đầu là 158 ngày.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, riêng ngày 9/1, thủ đô Tokyo đã ghi nhận 2.268 ca nhiễm COVID-19 mới, là ngày thứ ba liên tiếp trên 2.000 ca. Trong đó, số ca nghiêm trọng tiếp tục duy trì mức cao nhất ngày thứ tám liên tiếp với 129 ca. Các tỉnh lân cận Tokyo nằm trong phạm vi tình trạng khẩn cấp đều có số ca nhiễm mới cao kỷ lục, Saitama là 518 ca, Chiba là 477 ca, Kanagawa có 999 ca. Trong bối cảnh tình trạng lây nhiễm trong cả nước diễn biến phức tạp, lãnh đạo các địa phương như Osaka, Hyogo, Kyoto cùng kiến nghị chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp tại đây.
Trả lời tại họp báo ngày 9/1, Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Yasutoshi Nishimura cho biết chính phủ sẽ tham vấn ý kiến các chuyên gia trước khi thận trọng đưa ra quyết định. Tuy nhiên, trước mắt các địa phương này cần chủ động áp dụng các biện pháp tương tự như 4 địa phương vùng thủ đô đã thực hiện trước khi ban bố tình trạng khẩn cấp, như rút ngắn thời gian hoạt động của các cửa hàng ăn uống và siết chặt điều kiện tổ chức sự kiện đông người.