Ngày 30/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) đăng tải lên mạng xã hội Twitter hình ảnh chỉnh sửa về binh sĩ Australia kề dao dính máu lên cổ một em nhỏ Afghanistan đang ôm lấy con cừu. Thủ tướng Australia Scott Morrison đã lên tiếng phản đối và yêu cầu gỡ ngay hình ảnh này.
Theo hãng thông tấn Reuters (Anh), Đại sứ quán Trung Quốc trong khi đó nói rằng phản ứng giận dữ từ các chính khách và truyền thông Australia liên quan tới bức ảnh là “thái quá”.
Tối 1/12, Thủ tướng Morrison đăng lên WeChat rằng tranh cãi ngoại giao liên quan đến hình ảnh binh sĩ Australia “không làm phai nhòa sự tôn trọng và cảm kích đối với cộng đồng người Trung Quốc tại Australia”.
Ông Morrison bảo vệ việc điều tra liên quan đến hành vi của lực lượng đặc nhiệm Australia tại Afghanistan. Nhà lãnh đạo này khẳng định Australia có thể xử lý “những vấn đề khó khăn” như vậy bằng phương thức minh bạch.
Nội dung đăng trên WeChat của Thủ tướng Morrison đã có 50.000 lượt xem tính đến sáng 2/12. Hình ảnh chỉnh sửa về binh sĩ Australia do ông Triệu Lập Kiên đăng trên Twitter đã nhận được 54.000 lượt thích. Twitter sau đó dán nhãn hình ảnh này mang nội dung nhạy cảm.
Hồi tháng 10, WeChat cho biết có 690.000 tài khoản sử dụng mạng xã hội này hàng ngày tại Australia.
Twitter bị cấm tại Trung Quốc tuy nhiên các nhà ngoại giao nước này vẫn nhiệt tình sử dụng mạng xã hội này trong năm nay.
Quan hệ Bắc Kinh-Canberra nảy sinh bất đồng xuất phát từ việc Australia đề nghị điều tra độc lập về nguồn gốc của virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây dịch COVID-19. Australia khẳng định rằng cuộc điều tra này không nhắm đến Trung Quốc về mặt chính trị. Đại sứ Trung Quốc tại Australia cảnh báo rằng người tiêu dùng Trung Quốc có thể tẩy chay sản phẩm của Australia. Trung Quốc vào ngày 27/11 đã áp dụng mức thuế trên 200% đối với rượu nhập khẩu từ Australia.