Trong một tuyên bố, TEPCO nêu rõ công ty này đặt mục tiêu trong lần thử nghiệm đầu tiên sẽ thu hồi một vài gram mảnh vỡ từ tổ máy số 2, sau đó mở rộng dần sang tổ máy số 3 - nơi việc xử lý, loại bỏ trên quy mô lớn có thể được tiến hành vào đầu những năm 2030.
Cụ thể, TEPCO dự định thu hồi tối đa 3gram mảnh vỡ bằng thiết bị ống lồng có trang bị dụng cụ kẹp. Thiết bị này có thể kéo dài tới 22 mét, có thể tiếp cận mảnh vỡ qua một điểm xác định trên vỏ buồng chứa chính. Vì các mảnh vỡ phát ra bức xạ mạnh nên thiết bị thu hồi sẽ được bảo vệ bằng cấu trúc kết nối và van cách ly. TEPCO dự kiến mất khoảng một tuần để thiết bị trên tiếp cận các mảnh vỡ và mất khoảng 2 tuần để hoàn tất hoạt động thu hồi. Trong trường hợp mức độ bức xạ của các mảnh vỡ vượt quá 24 millisievert mỗi giờ, các mảnh vỡ sẽ được đưa trở lại bình chứa để bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của công nhân.
Ngày 16/8 vừa qua, Cơ quan Quản lý hạt nhân của Nhật Bản (NRA) đã phê duyệt việc sử dụng thiết bị thu hồi mảnh vỡ chứa phóng xạ nói trên cũng như kế hoạch bắt đầu thử nghiệm thu hồi.
Việc thu hồi và loại bỏ các mảnh vỡ nhiễm phóng xạ được coi là một trong những công đoạn khó khăn nhất trong quá trình đóng cửa nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, nơi mà các lò phản ứng đã bị hư hại nghiêm trọng sau thảm họa động đất và sóng thần năm 2011 ở Đông Bắc Nhật Bản. TEPCO đã 3 lần hoãn kế hoạch thu hồi các mảnh vỡ do đại dịch COVID-19 và các vấn đề về kỹ thuật. Ngoài việc làm thế nào thu hồi được khoảng 880 tấn mảnh vỡ từ các lò phản ứng số 1, 2 và 3, một vấn đề nữa cũng đang gây đau đầu cho các nhà quản lý là tìm địa điểm có thể giữ những mảnh vỡ đã thu được trước khi chúng được xử lý.