Kết quả cuộc khảo sát do Viện nghiên cứu báo chí của hãng tin Reuters (Anh) thực hiện và công bố mới đây cho thấy trong năm 2018, tỷ lệ người đọc tin tưởng các tin tức được đăng tải ở 37 quốc gia duy trì ở mức khá ổn định 44%. Tuy nhiên, ở một số nước, tỷ lệ này vẫn ở mức thấp đáng lo ngại.
Xét theo loại hình truyền thông, mức độ tin cậy của người đọc đối với các phương tiện truyền thông truyền thống vẫn cao hơn so với các trang mạng xã hội. Theo kết quả khảo sát của tổ chức YouGov, chỉ có 23% số người được hỏi bày tỏ tin tưởng các thông tin được đăng tải trên truyền thông xã hội.
Trong khi đó, 54% cho biết họ lo ngại về tính xác thực của những thông tin phát tán trên Internet.
Theo kết quả khảo sát của Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) công bố hồi tháng 3 vừa qua, "fake news" lan truyền trên Twitter nhanh hơn cả các thông tin đúng sự thật. Nhiều người đổ lỗi cho Facebook là "thủ phạm" phát tán thông tin sai lệch trên mạng trong những năm gần đây. Ngoài Facebook và Twitter còn có ứng dụng nhắn tin miễn phí WhatsApp cũng đang hứng búa rìu dư luận do phát tán tin tức giả.
Mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook đã trở thành tâm điểm của vụ bê bối lộ thông tin của khoảng 87 triệu người sử dụng cho hãng tư vấn chính trị Cambridge Analytica. Vụ bê bối lộ thông tin này không chỉ khiến Facebook chịu sức ép điều tra từ cả giới chức Mỹ, Anh và châu Âu mà còn đối mặt với làn sóng tẩy chay mạnh mẽ trên toàn thế giới.
Cụm từ "fake news" được nhắc tới nhiều hơn kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên cầm quyền. Dù ông Trump dùng cụm từ này với ý nghĩa bó hẹp chỉ những trang tin chống lại ông nhưng cụm từ này đang được thế giới nhắc tới với ý nghĩa rộng hơn nhằm chỉ những hình thức thông tin đang nở rộ nhanh chóng, lan truyền những mẩu tin hay những câu chuyện bịa đặt vì một mục đích nhất định.
Để đối phó với một trong những vấn nạn trong thế giới hiện đại, các trang mạng hàng đầu thế giới như Google, Facebook và Twitter đã cam kết sẽ nỗ lực ngăn chặn việc truyền bá các tin tức giả mạo trên mạng xã hội. Facebook công bố sáng kiến giúp các hãng tin thu hút được người dùng có trả phí và hỗ trợ tiếp cận thông tin chính thống sau khi các nhà xuất bản nhận định người dùng trên mạng là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của họ.