Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng ngày 31/12 dẫn nguồn thạo tin cho biết thông tin trên. "Washington đã gửi lời mời và Bắc Kinh đã nhận lời", nguồn tin cho biết. Theo đó, phái đoàn Trung Quốc dự kiến ở lại "vài ngày" tại Mỹ cho đến giữa tuần tới.
Tuy vậy, hiện tại cả Mỹ và Trung Quốc đều chưa chính thức xác nhận về chuyến đi. Bộ Thương mại Trung Quốc cũng chưa cho bình luận về thông tin trên.
Viêc ký kết Thỏa thuận Mỹ - Trung giai đoạn một trong chuyến đi của Phó Thủ tướng Lưu Hạc sẽ đánh dấu thời điểm đình chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Thỏa thuận này được trông đợi sẽ kích thích thị trường toàn cầu và làm sáng sủa những dự báo tăng trưởng kinh tế vốn đang ngày một u ám.
Bên cạnh đó, Thỏa thuận Mỹ - Trung có thể giúp xoa dịu những căng thẳng song phương giữa hai nước, vốn đã gia tăng trong những tháng gần đây, liên quan đến vấn đề Hong Kong và Tân Cương.
Sau khi Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 được công bố hôm 13/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ có buổi lễ ký với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. "Chúng tôi sẽ có một lễ ký. Cuối cùng chúng tôi sẽ cùng nhau ký", ông nói với các phóng viên tại Florida.
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer hôm 13/12 cũng cho hay giới chức hai nước sẽ ký Thỏa thuận "trong tuần đầu tiên của tháng 1/2020". Trong khi đó, phía Trung Quốc chưa xác nhận thời điểm ký kết và cũng không có dấu hiệu nào cho thấy hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Tập Cận Bình sẽ gặp nhau trong những tuần tới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 11/10 đã công bố thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Trung Quốc sau cuộc hội đàm tại Washington với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc. Thỏa thuận này vẫn chưa được ký kết nhưng được chờ đợi sẽ giúp hạ nhiệt căng thẳng thương mại giữa hai nước.
Thỏa thuận dù vẫn đang được rà soát pháp lý trước khi hai bên ký, nhưng theo những nội dung được tiết lộ thì Mỹ sẽ hủy áp thuế suất 15% đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 160 tỷ USD, mà ban đầu dự kiến được thực thi từ ngày 15/12/2019. Các hàng hóa này chủ yếu là hàng tiêu dùng, nằm trong Danh mục 4B. Ngoài ra, Mỹ cũng giảm một nửa mức thuế 15% áp với hàng hóa Danh mục 4A trị giá 120 tỷ USD, đồng thời duy trì mức thuế 25% với hàng hóa Danh mục 1, 2 và 3 trị giá 250 tỷ USD.
Đổi lại, Trung Quốc đồng ý không tăng thuế với ô tô Mỹ và các hàng hóa khác theo kế hoạch vào 15/12, đồng thời chấp nhận mua thêm hàng hóa, dịch vụ Mỹ, trong đó tăng mua hàng nông sản của Mỹ lên từ 40 tỷ-50 tỷ USD mỗi năm - một mức tăng mạnh, cao hơn gấp đôi so với năm 2017. Năm 2017, trước khi cuộc chiến thương mại bắt đầu, Trung Quốc đã nhập khẩu 19,5 tỷ USD sản lượng nông nghiệp của Mỹ, nhưng con số này giảm xuống chỉ còn hơn 9 tỷ USD vào năm 2018.
Về dịch vụ tài chính và tiền tệ. Bộ trưởng Tài chính Mỹ đã có cuộc thảo luận khá tốt với người đứng đầu Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, về mở cửa thị trường cho các công ty dịch vụ tài chính Mỹ. Hai bên gần như đã hoàn toàn thỏa thuận về cả hai vấn đề đó. Tiền tệ là một mối quan tâm rất lớn và hai bên có một thỏa thuận về tính minh bạch đối với thị trường ngoại hối và thị trường tự do.
Về chuyển giao công nghệ. Tổng thống Trump cho biết các cuộc đàm phán đã "đạt được tiến bộ rất tốt về chuyển giao công nghệ" - một điểm mấu chốt của xung đột Mỹ - Trung. Mặc dù không đưa ra chi tiết nhưng có thể sớm đạt được thỏa thuận, với việc các công ty Mỹ chia sẻ bí quyết để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc.
Về sở hữu trí tuệ, Thỏa thuận gồm các điều khoản mạnh hơn về bảo vệ pháp lý cho bằng sáng chế, thương hiệu, bản quyền, ví dụ như thắt chặt quy trình dân sự và hình sự để đấu tranh với hành vi vi phạm trên mạng, ăn cắp và hàng giả. Trung Quốc cam kết tuân thủ lời hứa trước đó về việc không gây áp lực chuyển giao công nghệ với công ty nước ngoài. Theo Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Wang Shouwen, hai nước thống nhất triệt phá hàng giả và tăng cường bảo vệ tài sản trí tuệ.
Về giải quyết tranh chấp, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết một cơ chế giải quyết tranh chấp đang được hoàn thiện. Cơ chế này được Mỹ xem là thiết yếu để thực thi bất kỳ thỏa thuận nào.
Mặc dù là một bước ngoặt trong đàm phán thương mại sau thời gian dài bế tắc, nhưng một nhà kinh tế cấp cao tại một viện đa phương ở Washington nhận định: “Giai đoạn một không thể xóa bỏ đáng kể bất ổn do căng thẳng thương mại gây ra. Căng thẳng thương mại ảnh hưởng lớn nhất tới nền kinh tế là làm xói mòn niềm tin và gây bất ổn, chứ chưa phải tác động thương mại trực tiếp”.