Thỏa thuận hoán đổi vũ khí cho Ukraine của Đức khiến Hy Lạp bất ngờ

Đức sẽ chuyển giao xe chiến đấu bộ binh (IFV) cho Hy Lạp để Athens có thể chuyển giao vũ khí thời Liên Xô cho Ukraine.

Chú thích ảnh
Xe chiến đấu bộ binh BMP-1 của Hy Lạp. Ảnh: mil.in.ua

Theo trang tin EURACTIV.fr (Pháp) ngày 1/6, Thủ tướng Đức Olaf Scholz thông báo đã đạt được một thỏa thuận với Hy Lạp để giao vũ khí cho Ukraine sau khi Berlin được cho là không thực hiện các thỏa thuận tương tự trước đó. 

"Chúng tôi sẽ cung cấp cho Hy Lạp các phương tiện chiến đấu bộ binh của Đức", ông Scholz nói với các phóng viên sau hội nghị thượng đỉnh EU kéo dài hai ngày ở Brussels, đồng thời cho biết thêm rằng ông đã đạt được thỏa thuận với Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis.

Ông Scholz giải thích rằng việc hỗ trợ vũ khí cho Ukraine bằng cách “các quốc gia có vũ khí từ thời Liên Xô” có thể giao vũ khí của họ cho Ukraine, giống như thỏa thuận hoán đổi dây chuyền với Séc.

Thủ tướng Scholz không đưa ra chi tiết về loại xe chiến đấu bộ binh mà Berlin sẽ bàn giao cho Hy Lạp, hoặc loại vũ khí nào mà Athens sẽ chuyển giao cho Kiev, nhưng cho biết "hai bộ quốc phòng sẽ làm việc chi tiết và nhanh chóng thực hiện thỏa thuận này".

Theo một nguồn tin quốc phòng, Berlin có mục tiêu cung cấp khoảng 100 IFV Marder cũ thuộc sở hữu của nhà sản xuất vũ khí Rheinmetall (RHMG.DE) cho Hy Lạp. Đổi lại, Athens sẽ cung cấp các IFV BMP kiểu Liên Xô cho Ukraine,

Được biết, vào đầu những năm 1990, Hy Lạp đã nhận từ Đức khoảng 500 xe chiến đấu bộ binh BMP-1, vốn từng được quân đội Cộng hòa Dân chủ Đức sử dụng.

Sự hoán đổi trên thường được cho là có lợi cho Ukraine vì nước này quen thuộc hơn với các thiết bị từ thời Liên Xô. Tuy nhiên, Đại sứ Ukraine tại Đức Andrij Melnyk,  nhấn mạnh  rằng “không ai có ý tưởng hỏi Ukraine rằng liệu chúng tôi có cần đồ cũ hay không”.

Đánh giá về vấn đề hoán đổi này, chuyên gia phân tích người Đức Ulrich Speck nhận định: “Lý do Đức không giao hàng trực tiếp cho Ukraine có lẽ là vì việc giao hàng cho Hy Lạp được coi là ít gây tổn hại hơn cho mối quan hệ với Nga".

Tuy nhiên, thông báo của Thủ tướng Đức đã gây ngạc nhiên cho phía Hy Lạp, vì trong cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh EU, Thủ tướng Hy Lạp Mitsotakis đã không đề cập về một thỏa thuận như vậy. Trước đó, ông Scholz đã hội đàm với người đồng cấp Hy Lạp Mitsotakis bên lề cuộc họp của Hội đồng châu Âu tại Brussels. 

Khi được hỏi về cuộc gặp song phương với ông Scholz, Thủ tướng Mitsotakis chỉ nói rằng ông đã thông báo với người đồng cấp Đức về sự leo thang mới với Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Đông Địa Trung Hải trong khi không đề cập đến phản ứng của người đồng cấp Đức. 

“Chúng tôi coi việc người dân Hy Lạp biết tin này từ Thủ tướng Đức là điều bất ngờ, khi Thủ tướng Hy Lạp không đề cập đến vấn đề này trong cuộc phỏng vấn của chính mình”, đảng Syriza đối lập cho biết trong một tuyên bố. 

Phe đối lập cũng coi động thái này là "nguy hiểm" đối với lợi ích quốc gia của Hy Lạp vì đồng nghĩa với việc nước này sẽ "tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột ở Ukraine" trong khi căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang gia tăng. 

“Chính phủ của Thủ tướng Mitsotakis phải ngừng đưa ra các quyết định bí mật về các vấn đề quan trọng của quốc gia. Chúng tôi yêu cầu thông tin ngay lập tức về các loại vũ khí mà họ đã gửi và sẽ gửi tới Ukraine, như tất cả các chính phủ châu Âu đã làm, để thể hiện sự tôn trọng đối với công dân của mình”, tuyên bố nhấn mạnh.

Công Thuận/Báo Tin tức
5 'sự thật' khi Đức thông qua quỹ hiện đại hoá quân sự 100 tỷ euro
5 'sự thật' khi Đức thông qua quỹ hiện đại hoá quân sự 100 tỷ euro

Đức đã dành nhiều tháng để giới thiệu về thay đổi mang tính lịch sử sang một chính sách quân sự "cơ bắp" hơn. Giờ đây, họ cuối cùng cũng đã có kế hoạch chi tiêu khổng lồ để thực hiện điều đó.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN