Tài liệu của tập đoàn truyền thông Đức Axel Springer cho biết, trong 9 tuần qua, Berlin chỉ gửi hai lô hàng vũ khí đến Ukraine, với toàn những vũ khí hạng nhẹ như tên lửa chống tăng và mìn.
Công ty truyền thông thân NATO cáo buộc Thủ tướng Olaf Scholz đang nhận "đấu thầu của Nga”.
Tờ Insider có trụ sở tại Mỹ ngày 31/5 dẫn thông tin của nhật báo Đức Die Welt am Sonntag cho hay, trong khoảng thời gian từ 30/3 đến 26/5, Đức chỉ thực hiện chuyển giao hai lô vũ khí cho Kiev. Cả hai tờ báo này đều thuộc sở hữu của tập đoàn Axel Springer.
Theo Insider, Đức đã “giảm hỗ trợ quân sự” cho Ukraine trong vài tuần qua, ngay cả khi Kiev liên tục tăng cường yêu cầu về các loại vũ khí hạng nặng hơn để chống lại Nga. Tờ báo này cho rằng, nghi vấn việc cắt giảm vũ khí được cho là diễn ra trước cuộc điện đàm ngày 28/5, trong đó Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo Thủ tướng Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng việc gửi thêm vũ khí tới Kiev sẽ gây ra “thêm bất ổn”. Đáp lại, ông Scholz và Macron đề nghị nhà lãnh đạo Nga tổ chức đàm phán "nghiêm túc" với Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky.
Theo Die Welt, ông Scholz không chỉ từ chối gửi xe tăng và xe bọc thép của Đức mà còn “hầu như không cung cấp bất kỳ loại vũ khí hạng nhẹ nào đáng nói”. Khi được tờ báo này đề nghị đưa ra bình luận, Bộ Quốc phòng Đức cho biết họ không thể cung cấp thông tin chi tiết về vấn đề này vì “thông tin về các đợt giao vũ khí cụ thể liên quan đến an ninh và được bảo mật”.
Phát biểu tại Brussels ngày 31/5, Thủ tướng Scholz đã công bố một thỏa thuận "hoán đổi vòng" với Hy Lạp, theo đó Athens sẽ nhận được các xe chiến đấu bộ binh của Đức được tân trang lại để đổi lấy việc gửi một số xe chiến đấu bộ binh cũ thời Đông Đức tới Kiev. Phe đối lập tại Hy Lạp đã phản đối sự sắp xếp này.
Ngoài ra, Berlin vẫn chưa chấp nhận đề nghị của Kiev đối với tên lửa diệt hạm Harpoon - Insider tuyên bố, trích dẫn các tài liệu của chính phủ mà Die Welt có được. Thông tin được đưa ra bất chấp Lầu Năm Góc xác nhận ngày 23/5 rằng Đan Mạch đã đồng ý chuyển giao tên lửa diệt hạm Harpoon.
Thủ tướng Đức, Scholz đã đối mặt với nhiều chỉ trích gay gắt về phản ứng của ông với cuộc xung đột ở Ukraine. Scholz đã nhiều lần nói với các hãng truyền thông Đức rằng ông ủng hộ Ukraine nhưng không muốn thấy Đức và NATO bị lôi kéo trực tiếp vào cuộc xung đột với Nga. Hồi tháng 4, ông giải thích rằng Berlin không thể gửi thêm vũ khí vì kho dự trữ của Bundeswehr (quân đội Đức) đã cạn kiệt, nhưng cho biết Berlin sẽ trả tiền cho các công ty vũ khí trong nước để họ gửi các thiết bị tân trang đến Kiev.
Tuy nhiên, yêu cầu của Mỹ về việc Ukraine mua một số tên lửa chống tăng Spike, được sản xuất tại Đức theo giấy phép của Israel, đã thất bại do bị Tel Aviv phản đối. Chuyến hàng đầu tiên gồm các phương tiện hạng nặng của Đức – gồm 15 hệ thống phòng không Gepard (pháo phòng không tự hành) đã “nghỉ hưu”- sẽ đến Ukraine vào tháng 7.
Trong khi cuộc chiến tại Ukraine đã chuẩn bị đi tới mốc 100 ngày, Ukraine vẫn tiếp tục gia tăng yêu cầu phương Tây viện trợ vũ khí để giúp bảo vệ vùng Donbass ở miền đông hiện đang hứng chịu những đợt tấn công lớn của Nga.