Tập đoàn Rosatom của Nga đang xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của nước này, Akkuyu NPP, ở tỉnh Mersin phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ, với lò phản ứng đầu tiên dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm tới.
Ankara cũng có kế hoạch xây dựng nhà máy hạt nhân thứ 2 ở tỉnh Sinop ở phía Bắc và nhà máy thứ 3 ở tỉnh Kırklareli phía Tây Bắc.
Theo Salih Sarı, Giám đốc Cơ quan Phát triển Cơ sở hạ tầng hạt nhân thuộc Bộ Năng lượng và Tài nguyên Thiên nhiên Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này cần sản xuất hơn 11% điện năng thông qua năng lượng hạt nhân vào năm 2035 và 29% vào năm 2053 để đạt được các mục tiêu về khí hậu.
“Chúng tôi đang xúc tiến các cuộc khảo sát địa điểm cho dự án nhà máy hạt nhân thứ tư. Thổ Nhĩ Kỳ cần 20 GW công suất phát điện hạt nhân cho các mục tiêu khí hậu vào năm 2053 của mình”, ông Sarı nêu rõ.
Theo ông Sarı, Thổ Nhĩ Kỳ đang liên hệ với Nga và Hàn Quốc để xây nhà máy hạt nhân thứ 2 đã được lên kế hoạch và liên hệ với Trung Quốc để xây nhà máy thứ 3. Ankara cũng đang tìm hiểu công nghệ lò phản ứng mô-đun nhỏ với các công ty của Anh, Pháp và Mỹ.
Nhà máy hạt nhân đầu tiên Akkuyu vào tháng 4 đã tổ chức buổi lễ ra mắt đầu tiên, cho phép Thổ Nhĩ Kỳ trở thành quốc gia có năng lượng hạt nhân. Akkuyu là "khoản đầu tư chung lớn nhất" của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga.
Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã ký một thỏa thuận liên chính phủ vào năm 2010 để xây dựng nhà máy hạt nhân trên. Akkuyu bao gồm bốn lò phản ứng do Nga thiết kế, với công suất 1.200 megawatt (MW) mỗi lò.
Sau khi hoàn thành, nhà máy dự kiến sẽ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu điện trong nước. Theo số liệu của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, nếu nhà máy điện trên bắt đầu hoạt động từ hôm nay, nó có thể một mình cung cấp đủ điện cho một thành phố khoảng 15 triệu dân, chẳng hạn như Istanbul.