Trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Hami Aksoy nhấn mạnh kêu gọi Hy Lạp "từ bỏ những tuyên bố chủ quyền trên biển đi ngược lại luật pháp quốc tế". Tuyên bố nêu rõ: "Để giảm căng thẳng, Hy Lạp cần khẩn trương rút các tàu quân sự được triển khai gần tàu khảo sát địa chấn Oruc Reis của chúng tôi để ủng hộ sáng kiến giảm xung đột của NATO".
Trước đó, trong tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc họp tại Pháp, lãnh đạo 7 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) nằm ven Địa Trung Hải đã hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Hy Lạp và CH Cyprus thông qua đối thoại. Theo đó, lãnh đạo các nước này bày tỏ "lấy làm tiếc" việc Thổ Nhĩ Kỳ không đáp lại những kêu gọi liên tiếp của EU hối thúc nước này chấm dứt các "hoạt động đơn phương" ở Đông Địa Trung Hải và Biển Aegean.
Tuyên bố nêu rõ các nước này "khẳng định sự ủng hộ và đoàn kết với CH Cyprus và Hy Lạp" trong vấn đề này và "kêu gọi tất cả các quốc gia trong khu vực tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là luật biển quốc tế và khuyến khích tất cả các bên giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại và đàm phán". Tuyên bố cảnh báo "nếu Thổ Nhĩ Kỳ không đối thoại và không chấm dứt các hoạt động đơn phương, EU sẵn sàng bổ sung các biện pháp hạn chế và vấn đề này có thể được thảo luận tại Hội đồng châu Âu vào ngày 24-25/9 tới".
Mối quan hệ giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ đã trở nên căng thẳng liên quan một số vấn đề, trong đó có việc Ankara triển khai thăm dò dầu khí ở Đông Địa Trung Hải, nơi hai quốc gia thành viên khác của EU là Cộng hòa Cyprus và Hy Lạp cũng nhận chủ quyền.
Trong phát biểu ngày 10/9, Thứ trưởng Ngoại giao Hy Lạp Miltiadis Varvitsiotis cho rằng EU cần áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Thổ Nhĩ Kỳ trong một thời gian nếu Ankara không rút các tàu quân sự và tàu thăm dò khí đốt của nước này khỏi vùng biển ngoài khơi Cộng hòa Cyprus.