Phát biểu với những người ủng hộ tại tỉnh miền Trung Kayseri ngày 19/10, ông Erdogan cho biết nếu thỏa thuận với Mỹ về việc tạm ngừng chiến dịch và cho phép các lực lượng người Kurd rút khỏi khu vực không được thực thi đầy đủ, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nối lại chiến dịch tại miền Bắc Syria sau khi lệnh ngừng bắn 5 ngày kết thúc. Đây là lần thứ hai Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ gây sức ép với Mỹ trong vấn đề này. Trước đó, chỉ một ngày sau khi thông báo thỏa thuận ngừng bắn, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cảnh báo sẽ nối lại chiến dịch quân sự vào tối 22/10 nếu thỏa thuận với Mỹ không được thực thi đầy đủ.
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Pháp AFP cùng ngày, người phát ngôn tổng thống, ông Ibrahim Kalin cho biết Thổ Nhĩ Kỹ hối thúc Mỹ sử dụng tầm ảnh hưởng để đảm bảo lực lượng người Kurd rút quân một cách suôn sẻ. Theo ông Kalin, Ankara cam kết thực hiện đầy đủ thỏa thuận với Washington.
Trong khi đó, Các Lực lượng dân chủ Syria (SDF) của người Kurd cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ ngăn cản lực lượng này cùng với những người bị thương và dân thường rút khỏi khu vực được Ankara xác định là "vùng an toàn" dọc biên giới với Syria.
Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ đã phủ nhận cáo buộc trên. Một quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định Ankara đang hợp tác chặt chẽ với Washington và nêu rõ quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã cung cấp các thông tin chi tiết, trong đó có các tọa độ, cho phía Mỹ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động rút quân của lực lượng người Kurd.
Sau 8 ngày tiến hành chiến dịch tấn công lực lượng người Kurd tại Đông Bắc Syria, ngày 17/10, Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý tạm dừng chiến dịch trong 5 ngày để lực lượng người Kurd rút khỏi khu vực mà Ankara xác định là “vùng an toàn”, đổi lấy một số nhượng bộ từ phía Mỹ.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 19/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã điện đàm về tình hình khu vực và quốc tế, trong đó có vấn đề Syria. Tại cuộc điện đàm, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của các nỗ lực thúc đẩy tiến trình hòa giải chính trị dành cho Syria.
Cùng ngày, tại thành phố Cologne của Đức, hàng nghìn người đã xuống đường tuần hành phản đối chiến dịch tấn công quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria.
Nhà chức trách Cologne cho biết khoảng 10.000 người đã tham gia vào những cuộc tuần hành do các nhóm cánh tả tổ chức. Bất chấp mối lo ngại về bạo lực, lực lượng cảnh sát không được triển khai. Nhà chức trách thành phố khẳng định sự kiện trên phần lớn diễn ra trong bầu không khí hòa bình.
Đức là quốc gia có các cộng đồng lớn của người Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd. Trước đây, nhiều vụ căng thẳng giữa các cộng đồng này đã bùng phát thành những hành động bạo lực.