Đài Sputnik dẫn lời Bộ trưởng Nội vụ Estonia Mart Helme: “NATO tạm thời bị tê liệt và điều này cho thấy một vấn đề phức tạp đối với chúng tôi. Mối quan hệ đồng minh giữa các quốc gia nhỏ có thể dễ dàng bị các vấn đề khác tác động. Tổng thống Donald Trump sẽ chỉ tập trung cho chiến dịch vận động tranh cử của ông ấy trong những năm tới”.
Bộ trưởng Helme ngày 17/10 bày tỏ lo ngại các đối tác lớn của NATO tìm kiếm nơi khác khi sự hợp tác trong khối liên minh quân sự lâm vào thế bế tắc.
Sự chia rẽ trong nội bộ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) xuất hiệu sau khi Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia thành viên, phát động chiến dịch quân sự tại Syria hồi tuần trước.
Phát biểu trước Hội đồng Nghị viện NATO ngày 14/10, Tổng Thư ký Jens Stoltenberg đã bảo vệ quan điểm về chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào lực lượng người Kurd ở Đông Bắc Syria trong bối cảnh ông nhận nhiều sức ép từ một số quốc gia thành viên.
Tổng thư ký NATO Stoltenberg cho biết trong cuộc gặp Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tại Istanbul tuần trước, ông đã bày tỏ sự lo ngại sâu sắc với nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ. Ông nói với Tổng thống Erdogan và Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu rằng chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại miền Bắc Syria sẽ làm tăng nguy cơ gây bất ổn khu vực, leo thang căng thẳng và khiến con người phải hứng chịu khủng hoảng. “Tôi hy vọng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hành động kiềm chế và hợp tác với các đồng minh khác để chúng ta có thể gìn giữ thành tựu mà chúng ta đạt được trước kẻ thù chung, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng”, ông Stoltenberg nhấn mạnh.
Tuy nhiên, trong phiên chất vấn sau bài phát biểu, Tổng Thư ký Stoltenberg đã phải đối mặt với loạt câu hỏi cứng rắn từ một số phái đoàn, đặc biệt là từ Pháp và Bỉ - hai quốc gia trước đây từng xảy ra các vụ tấn công đẫm máu có liên quan đến khủng bố IS.
Ông Christian Cambon, một thành viên Thượng viện Pháp, cho rằng chiến dịch “Mùa xuân Hòa bình” là không thể chấp nhận được và ám chỉ Tổng Thư ký Stoltenberg đang quá mềm mỏng với Thổ Nhĩ Kỳ.
“Chúng tôi rất ngạc nhiên trước thái độ mềm mỏng trong tuyên bố của ngài tại Istanbul. Tôi phải nói với ngài điều này. Có phải tuyên bố đó được đưa ra sau khi tham vấn đồng minh Mỹ của chúng ta?”, ông Cambon thẳng thắn hỏi, ám chỉ tới quyết định bất ngờ rút quân đội khỏi Đông Bắc Syria của Tổng thống Mỹ Donald Trump - động thái được xem như “bật đèn xanh” cho chiến dịch quân sự của Ankara. Đại biểu Cambon đề xuất triệu tập Hội đồng Bắc Đại Tây Dương – cơ quan ra quyết định chính của NATO - để có tuyên bố rõ ràng về bảo vệ các giá trị dân chủ và hòa bình.
Phản ứng trước lời đề xuất cứng rắn từ phái đoàn Pháp, Tổng Thư ký Stoltenberg một mực khẳng định tầm quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO. “Thổ Nhĩ Kỳ rất quan trọng đối với NATO. Vai trò này đã được chứng minh trong nhiều mặt, không chỉ trong cuộc chiến chống IS. Tất cả chúng ta sử dụng cơ sở hạ tầng ở Thổ Nhĩ Kỳ, căn cứ ở Thổ Nhĩ Kỳ trong các hoạt động đánh bại IS. Đó là lý do tại sao tôi lo lắng về chuyện đang diễn ra. Bởi vì điều đó sẽ làm suy yếu sự đoàn kết mà chúng ta cần trong cuộc chiến chống IS”, ông Stoltenberg nhấn mạnh.
Ngày 9/10, Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch “Mùa xuân Hòa bình” nhằm vào khu vực người Kurd kiểm soát tại Đông Bắc Syria. Động thái diễn ra sau khi các lực lượng Mỹ rút khỏi một phần khu vực biên giới, mở ra một giai đoạn mới trong cuộc chiến kéo dài hơn 8 năm tại Syria. Mặc dù Ankara khẳng định chiến dịch này nhằm thiết lập một vùng đệm dọc biên giới với Damascus, song nó vẫn bị cộng đồng quốc tế chỉ trích và phản đối.
Các nước thành viên NATO như Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha đều quyết định dừng bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ sau khi quốc gia này tấn công người Kurd. Trong khi đó, Mỹ tuần trước áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Ankara.
Tổng thống Erdogan tuyên bố mối đe dọa trừng phạt và cấm vận vũ khí của các cường quốc phương Tây sẽ không ngăn được cuộc tấn công quân sự. Ankara sẽ tiếp tục chiến dịch cho đến khi đạt mục tiêu thiết lập vùng đệm an toàn trải dài khắp miền Bắc Syria.