Nhật báo "Hurriyet" của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 23/6 đưa tin Cơ quan tình báo nước này đã mở cuộc điều tra nhằm xác định các cuộc biểu tình chống chính phủ diễn ra suốt nhiều tuần qua ở Thổ Nhĩ Kỳ có dính líu đến yếu tố nước ngoài hay không.
Xung đột giữa cảnh sát và người biểu tình tại quảng trường Taksim ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 22/6/2013. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tờ báo cho biết Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng bất ổn chính trị hiện nay ở nước này nằm trong một âm mưu liên quan tới các chính phủ và tổ chức tài chính nước ngoài nhằm cản trở các nỗ lực khôi phục kinh tế và ổn định chính trị của Ankara. Ngày 25/6 tới, Hội đồng an ninh quốc gia sẽ thảo luận những phát hiện mới đây của cơ quan tình báo Thổ Nhĩ Kỳ về mối liên kết quốc tế với âm mưu này.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hồi đầu tháng từng nói bóng gió về việc Israel "vui mừng" với các cuộc biểu tình tại nước ông, đồng thời cho biết cách đây 3 tháng, Ankara đã nhận được một số thông tin tình báo nói rằng sẽ xảy ra các cuộc biểu tình chống chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ.
Cùng ngày, khoảng 8.000 người đã tuần hành tại thủ đô Vienna của Áo để bày tỏ ủng hộ Thủ tướng Erdogan. Nhiều người mang theo quốc kỳ hai màu đỏ, trắng của Thổ Nhĩ Kỳ và biểu ngữ có chân dung ông Erdogan.
Trái lại, khoảng 600 người khác cũng đã tham gia một cuộc biểu tình phản đối cách thức Ankara giải tán người biểu tình. Hiện có một cộng đồng người gốc Thổ Nhĩ Kỳ khá đông đảo đang sinh sống ở Áo.
* Đức cản trở Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU Các nguồn tin EU cho biết làn sóng biểu tình chống chính phủ ở Thổ Nhĩ Kỳ đang tiêu tan hy vọng mong manh về việc nước này xin gia nhập EU và xói mòn quan hệ giữa Ankara với Brussels.
Là nền kinh tế lớn nhất trong EU, đối tác thương mại lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ và nơi sinh sống của khoảng 3 triệu người Thổ Nhĩ Kỳ, Đức đã cản trở tiến trình đàm phán gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ, một phần do cách thức Ankara giải tán người biểu tình. Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Angela Merkel trong chương trình vận động tranh cử hiện nay đã tái khẳng định lập trường phản đối Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU.
Bà Merkel khẳng định mục tiêu của mối quan hệ "đối tác đặc quyền" giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU đã được sửa đổi vì Thổ Nhĩ Kỳ "không muốn điều đó". Đức và Pháp lâu nay vẫn lo ngại những khác biệt về văn hóa sẽ khiến quốc gia có đông người Hồi giáo sinh sống như Thổ Nhĩ Kỳ khó hội nhập trong EU. Việc Chính phủ Đức ngăn cản nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ nối lại đàm phán gia nhập EU đã khiến cho mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước trở nên căng thẳng và dẫn tới việc hai nước vừa triệu đại sứ của nhau để phản đối.
Hà Lan cũng tỏ thái độ dè dặt với kế hoạch nối lại các cuộc thảo luận trong giới ngoại giao EU về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU vào ngày 26/6 tới, vốn thất bại trong tuần trước. Theo các nguồn tin EU, nếu Berlin và Amsterdam không thay đổi lập trường vào phút chót thì cuộc thảo luận sắp tới sẽ bị trì hoãn hoặc hủy bỏ.
Tuy nhiên, trong EU hiện vẫn có nhiều ý kiến ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập tổ chức này. Ngoại trưởng Thụy Điển Carl Bildt cho rằng sẽ là sai lầm lớn nếu cản trở Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU tại thời điểm hiện nay.
Các cuộc đàm phán về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU đã bị "đóng băng" trong 3 năm qua, khiến quốc gia này mới chỉ hoàn tất được một trong số 35 chương liên quan các lĩnh vực chính sách.
TTXVN/Tin tức