Trong một tuyên bố, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định “ngôn từ và cách tiếp cận” trong bức thư của người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan trong tháng này “không có tinh thần của một liên minh (và) gây lo lắng”. Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục đối thoại dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và quan hệ hữu nghị, cũng như những nỗ lực tìm kiếm một giải pháp thỏa đáng đối với các vấn đề.
Thổ Nhĩ Kỳ có phản ứng trên sau khi ông Shanahan ngày 7/6 đã gửi thư cho người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar, trong đó cảnh báo rằng Ankara có thời gian đến ngày 31/7 để từ bỏ thương vụ mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga. Nếu không, Ankara sẽ không được mua khoảng 100 máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ cũng như các phi công Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị đình chỉ tham gia chương trình huấn luyện đối với loại máy bay hiện đại nhất này của Mỹ. Washington cũng cảnh báo sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Ankara nếu Thổ Nhĩ Kỹ vẫn mua hệ thống vũ khí này của Nga.
Bất chấp sức ép của Mỹ, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan khẳng định hợp đồng mua hệ thống tên lửa phòng không hiện đại S-400 của Nga đã được hoàn tất. Ông thông báo Ankara sẽ nhận được hệ thống trên trong thời gian “rất sớm” sau khi đảm bảo với Tổng thống Nga Vladimir Putin về chính sách “không rút lui” đối với thương vụ này.
Thương vụ S-400 là một vấn đề gây tranh cãi lớn giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ - hai đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Washington nhiều lần cảnh báo việc Ankara tích hợp công nghệ tên lửa của Nga cùng các máy bay chiến đấu của Mỹ sẽ gây ra mối đe dọa cho F-35 và "nguy hiểm" cho nền quốc phòng phương Tây, đồng thời cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ có thể đối mặt với các biện pháp trừng phạt liên quan tới vấn đề này. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định hệ thống S-400 sẽ tách biệt với cơ sở hạ tầng của NATO tại nước này và không có liên hệ với F-35, đồng thời thể hiện quyết tâm theo đuổi hợp đồng với Nga.