Thị trường thế giới phản ứng nhạy với quyết định của FED

Các chỉ số chứng khoán lớn của Phố Wall cũng như của châu Âu đồng loạt giảm điểm ngày 14/12 trong khi chứng khoán châu Á biến động ngay từ khi mở cửa sáng 15/12 sau khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất lần thứ hai trong một thập niên qua.

Cụ thể, cuối phiên giao dịch ngày 14/12, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,6% xuống 19.792,53 điểm, chỉ số S&P 500 hạ 0,8% xuống 2.253,28 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 0,5% xuống 5.436,67 điểm.


Theo gót thị trường Mỹ, chỉ số FTSE 100 giao dịch tại thị trường London (Anh) 0,3% xuống 6.949,19 điểm, còn trên sàn Frankfurt (Đức), chỉ số DAX 30 hạ 0,4% xuống 11.244,84 điểm. Tại Paris (Pháp), chỉ số CAC 40 giảm 0,7% xuống 4.769,24 điểm vào cuối phiên giao dịch.


Chủ tịch FED Janet Yellen trong cuộc họp báo tại Washington D.C., ngày 14/12. Ảnh: AFP/ TTXVN

Hưởng lợi lớn là chứng khoán Nhật Bản, chỉ số Nikkei của sàn Tokyo tăng giá 0,9%, chỉ số Topix tăng 0,48% khi đồng Yen của Nhật Bản giảm giá mạnh do đồng USD tăng giá sau quyết định của FED. Các thị trường khác ở châu Á kém may mắn hơn, chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương, theo dõi hoạt động của hơn 1.000 trong khu vực, giảm 0,7% giá trị.


Trong khi đó, thị trường vàng và dầu mỏ cũng có những biến động. Trong phiên giao dịch ngày 14/12, giá dầu thế giới giảm do nguồn cung tại trung tâm dự trữ lớn nhất của Mỹ tăng lên mức cao nhất trong sáu tháng qua và quyết định của FED.


Kết thúc phiên 14/12 tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 1/2017 giảm 1,94 USD xuống 51,04 USD/thùng. Tại London, giá dầu Brent giao tháng 2/2017 giảm 1,82 USD xuống 53,90 USD/thùng. Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ cho biết, lượng dầu dự trữ tại Cushing, Oklahoma (trung tâm giao hàng lớn về dầu WTI), đã tăng thêm 1,22 triệu thùng vào tuần trước. Giá dầu tiếp tục giảm sau khi FED tăng lãi suất khiến đồng USD mạnh lên và làm giá dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với các khách hàng sử dung những đồng tiền khác. Điều này sẽ làm giảm nhu cầu về dầu mỏ.


Tương tự, giá vàng tại thị trường New York (Mỹ) ngày 14/12 đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 10 tháng.


Chốt phiên 14/12, giá vàng giao ngay giảm 0,3% xuống còn 1.154,62 USD/ounce, sau khi đã có lúc rơi xuống mức thấp nhất kể từ ngày 5/2/2016 là 1.149,66 USD/ounce, trong bối cảnh lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ tăng lên mức cao nhất trong hơn 5 năm qua. Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn được giao dịch ở mức 1.163,70 USD/ounce trước khi Fed thông báo kết quả cuộc họp vừa kết thúc.


Trong cuộc họp chính sách 13-14/12 vừa kết thúc, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của FED - đã nhất trí nâng biên độ lãi suất chủ chốt lên 0,5-0,75%, đồng thời nhấn mạnh rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới này có thể sẽ chỉ cần “từng bước” tăng lãi suất trong thời gian tới. Nhiều khả năng trong năm 2017, FED dự kiến sẽ nâng lãi suất ba lần, thay vì chỉ hai lần như dự đoán trước đây. Quyết định này của FED cũng đã làm tăng mạnh lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ và đồng bạc xanh lên giá so với các đồng nội tệ khác.

TTXVN/Tin Tức
FED nâng lãi suất: USD tăng cao nhất 14 năm, giá vàng thấp nhất 10 tháng
FED nâng lãi suất: USD tăng cao nhất 14 năm, giá vàng thấp nhất 10 tháng

Trong phiên giao dịch ngày 14/12, giá trị đồng USD đã tăng lên mức cao nhất trong gần 14 năm sau khi Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED, Ngân hàng trung ương) đã công bố quyết định nâng lãi suất cơ bản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN