Chia sẻ về các hoạt động kỷ niệm ngày sinh của lãnh tụ Lenin những năm gần đây tại Nga, anh Arseni Sviderski, 31 tuổi, nghiên cứu sinh chuyên ngành lịch sử cho biết những người cộng sản Nga vẫn thường tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa vào đúng ngày 22/4 hằng năm, trong đó có các hoạt động như đặt hoa tưởng niệm trước Lăng Lenin, tổ chức kết nạp đội viên thiếu niên tiền phong ngay trên Quảng trường Đỏ hoặc thăm quan bảo tàng, tổ chức ngày thứ Bảy lao động cộng sản tại khu bảo tồn “Đồi Lenin” ở ngoại ô Moskva, nơi vị lãnh tụ của giai cấp vô sản từng sống và làm việc… Là một cán bộ đoàn và đã nhiều lần trực tiếp tham gia các hoạt động như vậy, anh Arseni cho biết không khí tại các buổi lễ rất đoàn kết, hữu nghị và nồng ấm, thắm tình đồng chí.
Cùng chung quan điểm như vậy, anh Elmar Rustamov, sinh năm 1990, một người hoạt động trong lĩnh vực truyền thông cho biết các hoạt động kỷ niệm ngày sinh của lãnh tụ Lenin thu hút sự quan tâm của những người cộng sản không chỉ ở Nga, mà ở cả các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây. Ngoài các hoạt động mít tinh, tuần hành còn có các hoạt động thuyết trình về cuộc đời và sự nghiệp của Lenin, về vai trò của Người đối với cách mạng thế giới.
Đặc biệt, năm nay là năm kỷ niệm chẵn nên các hoạt động dự kiến sẽ quy mô hơn nếu không có dịch bệnh, trong đó có các cuộc hội thảo khoa học. Không chỉ thường xuyên tham gia các hoạt động kỷ niệm ngày sinh Lenin, anh Elmar còn trực tiếp diễn thuyết với mong muốn kêu gọi các bạn trẻ tại Nga đọc và hiểu nhiều hơn về Lenin. Chàng trai gốc thủ đô Elmar Rustamov, sinh ra vào đúng tháng Mười của 30 năm trước, cho rằng nhờ có Internet và các trang mạng xã hội mà giới trẻ ngày nay tại Nga ngày càng quan tâm nhiều hơn đến những điều Lenin đã viết hơn 100 năm trước, đến những tư tưởng của Người và Cách mạng tháng Mười vĩ đại.
Nói về những vấn đề lý thuyết tưởng chừng khô khan, song các bạn trẻ Nga thế hệ 9X vẫn say sưa với câu chuyện về vai trò của Lenin đối với phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới nói chung, đối với nước Nga và các nước thuộc địa nói riêng, về đóng góp của Lenin đối với công tác xây dựng Đảng. Anh Arseni tự hào nói về vị lãnh tụ mà anh vô cùng kính trọng: “Vladimir Ilich Lenin là nhân vật có vai trò to lớn mang tầm thế giới, Người sẵn sàng gánh vác trách nhiệm trước số phận của nước Nga. Trước Lenin, chưa ai có thể tập hợp được sức mạnh của người dân thành một khối thống nhất”.
Arseni Sviderski khẳng định: "Chiến thắng của chủ nghĩa xã hội ở Nga, sự trỗi dậy của những dân bị áp bức đã dẫn đến những thành công phi thường: nền giáo dục miễn phí toàn dân đầu tiên trên thế giới, hệ thống y tế miễn phí đầu tiên trên thế giới, quốc gia đầu tiên trên thế giới có quyền nghỉ ngơi và quan trọng nhất là ngày làm việc tám giờ... Đây là những điều đã mang lại niềm hy vọng và công lý cho hàng triệu công nhân trên khắp thế giới. Người dân bị áp bức trên khắp hành tinh bắt đầu đứng lên với lời nhắn nhủ: "Chúng ta hãy hành động như ở nước Nga". Anh Arseni cho rằng Lenin và Cách mạng tháng Mười đã góp phần khơi dậy phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, chống ách áp bức bóc lột tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Về phần mình, Elmar Rustamov chia sẻ rằng lãnh tụ Lenin luôn nhấn mạnh đến các nguyên tắc xây dựng đảng, đó là sự đoàn kết thống nhất, sự trung thành với chủ nghĩa Mác, nguyên tắc tập trung dân chủ, không độc đoán, về tính chiến đấu của đảng… Tuy nhiên, hiện nay không chỉ ở Nga mà ở nhiều nước khác đã xuất hiện rất nhiều lực lượng cộng sản cùng nhiều đảng phái với nhiều quan điểm khác nhau về lịch sử, về những thành tựu của Lenin, về ý nghĩa của Cách mạng tháng Mười vĩ đại.
Dù chưa có điều kiện đến thăm Việt Nam, hai bạn trẻ đều dành những tình cảm và lời chúc tốt đẹp đến nhân dân Việt Nam, cảm ơn cộng đồng người Việt tại Nga đã có những chia sẻ với người dân sở tại trong cuộc chiến chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 hiện nay.