Đây chính là nơi đặt nền móng cho sự ra đời của nhà nước XHCN đầu tiên trên thế giới. Hai cái tên Lenin và Smolnyi là không thể tách rời khỏi nhau vì trong những ngày tháng Mười sôi sục năm 1917, Điện Smolnyi đã trở thành nơi huy động các lực lượng cách mạng của thành phố Petrograd, nay là St. Petersburg.
Vladimir Ilych Lenin đến Điện Smolny tối 24/10/1917 (theo lịch Nga cũ, tức ngày 6/11/1917) để lãnh đạo cuộc nổi dậy của công nhân, binh sĩ và thủy thủ, và lãnh đạo đất nước cho đến khi Hội đồng các dân ủy chuyển từ Petrograd đến Moskva ngày 10/3/1918. Chính tại đây, trong những ngày tháng Mười sôi động đã diễn ra những sự kiện làm rung chuyển thế giới. Hiện nay tòa nhà này là nơi đặt trụ sở chính quyền thành phố St. Petersburg. Ngay trước lối vào Điện Smolnyi là bức tượng lãnh tụ V. I. Lenin do nhà điêu khắc Vasily V. Kozlov sáng tác năm 1927, phía dưới trụ đỡ bức tượng có gắn dòng chữ bằng đồng “Chuyên chính vô sản muôn năm”.
Sáng 25/10/1917 (theo lịch Nga cũ, tức ngày Cách mạng tháng Mười vĩ đại 7/11), tại Điện Smolnyi, V.I. Lenin thảo văn kiện đầu tiên gửi tới người dân Nga, tuyên bố rằng chính phủ lâm thời ở Cung điện mùa Đông bị phế truất và quyền lực nhà nước được trao vào tay cơ quan đại diện cho công nhân và nông dân Xô viết - Ủy ban Cách mạng Quân sự, đứng đầu là giai cấp vô sản và binh sĩ Petrograt. Tuyên bố ngắn gọn song vô cùng mạnh mẽ này nêu rõ chương trình của chính phủ mới là đề xuất ngay lập tức một nền hòa bình dân chủ, bãi bỏ quyền tư hữu đất đai, công nhân nắm quyền kiểm soát nhà máy và thành lập chính quyền Xô viết.
Tối muộn 25/10/1917, Đại hội các Xô viết toàn Nga lần thứ II khai mạc tại Hội trường Trắng rộng lớn của Điện Smolnyi và V.I. Lenin đã chỉ huy cuộc bao vây Cung điện mùa Đông, nơi chính phủ lâm thời bị bắt và bị phế truất vào 4h00 sáng 26/10. Ngày 25/10 (tức 7/11) đã đi vào lịch sử là ngày chiến thắng của Cách mạng Xã hội chủ nghĩa tháng Mười vĩ đại, cuộc cách mạng nhà nhà văn, nhà báo Mỹ John Reed gọi là "Mười ngày rung chuyển thế giới" trong tác phẩm nổi tiếng cùng tên (Ten days that shook the work), mở một kỷ nguyên mới trong lịch sử nhân loại.
Phòng làm việc đầu tiên của lãnh tụ V.I. Lenin nằm ở tầng 3 sảnh phía Nam Điện Smolnyi, đánh số 67. Ngay trước cửa phòng làm việc là tấm bảng đá khắc bản Hiến pháp của nước XHCN đầu tiên trên thế giới - Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Liên bang Nga (RSFSR). Đề cập đến bản hiến pháp này, Vladimir Ilych đã viết rằng: “Tất cả các hiến pháp tồn tại cho đến nay đều bảo vệ lợi ích của các giai cấp thống trị. Và chỉ có Hiến pháp Xô viết phục vụ và sẽ liên tục phục vụ nhân dân lao động và là vũ khí mạnh mẽ trong cuộc đấu tranh để hiện thực chủ nghĩa xã hội”.
Căn phòng số 67 này gắn liền với những ngày làm việc đầu tiên của Chính quyền Xô viết. Căn phòng được chia làm 2 phần, phần bên trái, cạnh cửa sổ trông ra sông Neva đặt bàn làm việc của V.I. Lenin. Tại đây, trong những ngày đầu tiên của chính quyền mới, nhà lãnh đạo V.I. Lenin liên tục tiếp rất nhiều khách. Trên bàn làm việc của ông i có một chiếc điện thoại, bút và các vật dụng để viết, cây đèn màu xanh đặc trưng của nước Nga, các tờ báo Bolshevik xuất bản vào thời gian đó như “Sự thật”, “Người lính”... và bản đồ thành phố Petrograd. Tại đây lưu giữ bản chụp các bản viết tay của V.I. Lenin, trong đó có bản viết kêu gọi người lao động học cách quản lý đất nước. Ông viết: “Các đồng chí lao động, hãy nhớ rằng các bạn nay là những người quản lý đất nước. Sẽ không ai giúp nếu như các bạn không chung tay lại, và không tự tay quản lý mọi hoạt động của đất nước”.
Vào thời điểm đó, nước cộng hòa Xô viết non trẻ phải trải qua giai đoạn vô cùng khó khăn, đối phó với lực lượng phản cách mạng đang đe dọa chiếm Petrograd, các chủ nhà máy bãi xưởng, Chiến tranh Thế giới thứ nhất tiếp tục diễn ra, tại Nga xảy ra nạn đói và tình trạng đổ nát. Cứ mỗi buổi chiều, các dân ủy lại họp tại phòng làm việc của V.I. Lenin để xem xét các vấn đề đối nội và đối ngoại của đất nước, giải quyết những vấn đề chính trị và kinh tế hóc búa nhất. Có thể nói tại căn phòng này đã giải quyết những vấn đề sống còn đối với đất nước như bảo vệ Petrograd, chống các hành động phá hoại, đưa ra những bước đi đầu tiên để phát triển kinh tế XHCN, chính sách xã hội của chính quyền Xô viết…
Một đảng viên Bolshevik ghi lại rằng ngày làm việc của Hội đồng các dân ủy bắt đầu lúc 9h00 sáng như thường lệ, song từ 8h45, lãnh tụ V.I. Lenin đã ngồi vào bàn làm việc của mình. Ông viết rất nhiều, không chỉ cho người Nga mà cả gửi ra nước ngoài. Ông cũng đọc thư và chỉ đạo viết thư trả lời. V.I. Lenin yêu cầu tất cả thư trả lời phải được gửi trong ngày. Trong một ngày, V.I. Lenin còn tiếp rất nhiều khách và đoàn đại biểu. Đúng 6h00 chiều, tại Điện Smolnyi diễn ra cuộc họp của Hội đồng các dân ủy. Và ngọn đèn trong phòng làm việc của ông thường sáng tới tận khuya. Phòng làm việc này ngăn ra một khoảng nhỏ kê giường để ông có thể ngủ luôn tại đó những lúc làm việc quá khuya. Trong vòng 14 ngày làm việc tại phòng làm việc đầu tiên số 67 của mình, V.I. Lenin đã giải quyết một khối lượng công việc khổng lồ.
Do khối lượng công việc tăng lên, những người Bolshevik đã quyết định chuyển Hội đồng các dân ủy sang một căn phòng khác rộng hơn. Và từ ngày 10/11/1917 đến 10/3/1918, V.I. Lenin chuyển sang phòng làm việc số 81 trên tầng 3 sảnh phía Bắc rộng hơn với nhiều phòng ghép lại. Căn phòng này ngày nay thuộc quyền quản lý của chính quyền thành phố St. Petersburg.
Trong thời gian làm việc ở Điện Smolnyi, ngày 31/12/1917, Lenin đã ký sắc lệnh công nhận nền độc lập cho Phần Lan để đáp lại lòng mong mỏi của giai cấp công nhân nước này. Hiện nay trong phòng làm việc số 67 của V.I. Lenin có treo tấm bảng đồng bày tỏ lòng biết ơn của nhân dân Phần Lan đối với sắc lệnh này. Trong 4 tháng làm việc tại Điện Smolnyi, lãnh tụ giai cấp vô sản đã chủ trì 77 cuộc họp, viết hơn 110 quyết định, dự án, bài báo…, gần 120 ghi chú, thư, điện tín…, tiếp nhận và xử lý hơn 40 văn kiện vô cùng quan trọng và ông hơn 70 lần đọc báo cáo trước hội nghị. Dấu ấn làm việc của V.I. Lenin hiện diện trong gần 350 văn kiện.
Những con số này đã cho thấy khả năng làm việc đáng kinh ngạc của Vladimir Ilych Lenin. Nó cũng cho thấy trí tuệ, sự sáng suốt của ông trong giai đoạn vô cùng khó khăn của đất nước để hình thành nên Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết (USSR) hùng mạnh sau này.