Theo báo cáo năm 2023 của Meta và Bain & Company về xu hướng tiêu dùng kỹ thuật số ở khu vực Đông Nam Á, công ty này nhận thấy rằng Gen Z chiếm 73% số lượng người mua hàng trên các nền tảng số.
Báo cáo cho thấy Gen Z, nhóm các bạn trẻ thường sinh từ năm 1997 đến 2012, đang dẫn đầu trong việc khám phá, đánh giá và mua hàng trực tuyến.
Nhiều trang truyền thông xã hội đã giới thiệu các tính năng thương mại điện tử trên nền tảng của họ, cung cấp giải pháp thay thế cho các trang mua sắm trực tuyến phổ biến như Lazada và Shopee. Ví dụ người dùng có thể mua trực tiếp từ cửa hàng TikTok hoặc Facebook Marketplace mà không cần điều hướng ra ngoài ứng dụng.
Theo CNBC, một báo cáo được công bố năm 2023 trên Research and Markets thì mua sắm trên mạng xã hội góp phần thúc đẩy ngành thương mại điện tử. Một cuộc khảo sát năm 2023 của công ty phân tích YouGov của Anh cũng cho thấy thế hệ Z thích mua sắm trên TikTok và Instagram thay vì Facebook, vốn phổ biến hơn với thế hệ cũ.
Theo báo cáo năm 2022 của TikTok, các video sử dụng giá trị giải trí và thông tin để thúc đẩy mua hàng trực tuyến, đã tạo ra một thị trường trên nền tảng này trị giá 500 tỷ USD.
Tại Đông Nam Á, hơn 15 triệu doanh nghiệp sử dụng TikTok để quảng bá sản phẩm của họ tới 325 triệu người dùng hàng tháng. TikTok cho biết chiến lược như vậy cho phép các doanh nghiệp thu hút người mua bằng cách tạo ra nội dung thú vị, đáng tin cậy và truyền cảm hứng, đáp ứng nhu cầu cảm xúc của khách hàng.
Ông Lawrence Loh, giáo sư chiến lược và chính sách tại Trường Kinh doanh thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS), cho biết, sự tương tác của cái gọi là “giải trí mua sắm” thu hút Thế hệ Z vì họ muốn mua hàng từ những người sáng tạo nội dung, những người cung cấp khía cạnh xác thực cho sản phẩm.
Theo CNBC, những nhà sáng tạo nội dung quảng cáo sản phẩm cũng có thể thu hút sự tin cậy của Thế hệ Z bằng cách sử dụng chức năng phát trực tiếp (live-stream) trên các nền tảng truyền thông xã hội.
Bà Tracy Loh, giảng viên cao cấp về quản lý truyền thông tại Đại học Quản lý Singapore (SMU), cho biết, không giống như trải nghiệm mua sắm tĩnh của các trang web thương mại điện tử như Lazada hay Taobao của Trung Quốc, những người phát trực tiếp (live-stream) của TikTok trò chuyện với khán giả của họ trong ba hoặc bốn giờ mỗi lần.
Bà nói, hình thức này giống như nhận được lời giới thiệu từ một người bạn, giúp người mua có được sự tin tưởng của người dùng nhiều hơn so với một thương hiệu.
Bà nhận định: “Bạn thường muốn sử dụng sản phẩm từ người giới thiệu có hệ số tin cậy cao, đặc biệt là khi nói đến các sản phẩm cá nhân hoặc các sản phẩm liên quan đến mỹ phẩm hoặc sức khỏe".
Cô Wu Zu An, một người “nghiện” mua sắn online cho biết cô đã thực hiện giao dịch mua hàng đầu tiên trên mạng xã hội thông qua TikTok sau khi xem một người sáng tạo nội dung thử nghiệm một sản phẩm mỹ phẩm cụ thể trong buổi phát trực tiếp. Tôi có thể thấy rằng sản phẩm thực sự có tác dụng khi cô ấy bôi nó lên mặt.
Theo cơ sở dữ liệu thương mại điện tử của Statista, những nhà sáng tạo nội dung có số lượng người theo dõi từ 1.000 đến 10.000 chiếm tỷ lệ người dùng lớn nhất trên TikTok và Instagram.
Giáo sư Loh từ NUS cho biết, những người có ảnh hưởng quy mô nhỏ như vậy thu hút người mua sắm thuộc Gen Z vì họ đưa ra các đề xuất thích hợp phục vụ cho sở thích có chọn lọc của nhóm này.
Ông nói, vì Gen Zers rất am hiểu về kỹ thuật số nên họ phụ thuộc rất nhiều vào những người có ảnh hưởng vừa và nhỏ trên mạng xã hội để hướng dẫn các quyết định mua hàng của họ nhằm tìm được món hàng phù hợp với quan điểm và sở thích.
Ngược lại, thế hệ Millennials sinh từ 1981 đến 1996 thích những thương hiệu lớn hoặc những người có ảnh hưởng vĩ mô như người nổi tiếng đại diện cho sản phẩm họ muốn mua.