Thế giới tuần qua: 'Tâm điểm' trong Đối thoại Shangri-la 2019; Nga-Trung sát cánh đối phó Mỹ

Những nội dung phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á Đối thoại Shangri-La 2019 và chuyến thăm Nga của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là hai sự kiện quốc tế thu hút chú ý dư luận trong tuần qua.

Ba ngày Đối thoại Shangri-La đảm bảo hòa bình, ổn định

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Thượng tướng Ngụy Phượng Hòa phát biểu tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 18 ở Singapore ngày 2/6. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 2/6, Đối thoại Shangri-La 2019 đã khép lại sự kiện kéo dài 3 ngày với sáu phiên đối thoại toàn thể. Phát biểu kết thúc Đối thoại Shangri-La 2019, Tổng Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) cho biết diễn đàn năm nay đã đánh dấu là năm có số lượng đại biểu tham gia đông nhất từ trước đến nay, với 44 đoàn đại biểu cấp chính phủ từ 56 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Theo bài viết trên trang ft.com, diễn đàn an ninh thường niên Shangri-la 2019 bị phủ bóng bởi cuộc chiến thương mại và công nghệ leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tại phiên thảo luận toàn thể thứ nhất, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan đã có bài phát biểu với chủ đề "Tầm nhìn của Mỹ về an ninh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương". Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Shanahan đã lên tiếng mô tả Trung Quốc - dù không chỉ đích danh nước này - là “mối đe dọa dài hạn lớn nhất đối với các lợi ích sống còn của các nhà nước trên khắp khu vực”. Tuy nhiên, ông cũng đưa ra một giọng điệu ôn hòa khi nói rằng “Trung Quốc vẫn đang có một mối quan hệ hợp tác với Mỹ”.

Về phần mình, đề cập đến quan hệ Trung-Mỹ, Bộ trưởng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa nhấn mạnh rằng tuy gặp nhiều gian nan và trắc trở, nhưng về tổng thể quan hệ giữa hai nước vẫn ổn định, trong đó quan hệ quốc phòng đang phát triển tốt đẹp theo những nhất trí chung đã đạt được giữa các lãnh đạo cấp cao hai nước. Liên quan đến vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng Ngụy Phượng Hòa cho biết Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang nỗ lực đàm phán để xây dựng hoàn thiện Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) nhằm góp phần duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng tại khu vực này.  

Bên cạnh sự quan tâm đối với các thông điệp của các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc thì diễn đàn năm nay cũng là cơ hội để các quốc gia khác bày tỏ quan điểm, nêu ra quan ngại và từ đó tìm tiếng nói chung để đảm bảo lợi ích của mình đồng thời đảm bảo hòa bình, ổn định của khu vực.

Trong diễn đàn, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch đã có bài phát biểu chủ đề “Ngăn ngừa xung đột tại các lĩnh vực có cạnh tranh” hôm 2/6. Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch khẳng định quan điểm, lập trường của Việt Nam trong việc giải quyết các tranh chấp, ngăn ngừa xung đột, đó là trong không khí hòa bình, với tinh thần đối tác và vì trách nhiệm cộng đồng. Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, dòng chảy chính và lợi ích chung của các nước. Chính vì vậy, các quốc gia dù lớn hay nhỏ cũng cần phải thể hiện trách nhiệm của mình trong việc giải quyết các bất đồng, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế.

Trung Quốc tìm đến Nga giữa thương chiến với Mỹ

Chú thích ảnh
Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình tại Moskva. Ảnh: Reuters

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa kết thúc chuyến thăm cấp nhà nước tới Nga kéo dài từ ngày 5 đến 7/6 theo lời mời của Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin.

Trong cuộc hội đàm thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo tại Điện Kremlin ở thủ đô Moskva, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin đã xem xét, đánh giá các thành tựu đạt được cũng như thực tế phát triển mối quan hệ song phương trong 70 năm qua và đề ra định hướng phát triển trong tương lai.

Tổng thống Putin nhấn mạnh trong những năm gần đây mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc đã đạt tới "mức cao chưa từng có". Về phần mình, Chủ tịch Tập Cận Bình đã cho biết, mối quan hệ hiện tại giữa Nga và Trung Quốc đang ở mức cao nhất từ trước tới nay, đồng thời bày tỏ sẽ vẫn tiếp tục đi lên trong tương lai.

Cũng trong hội đàm, Nga và Trung Quốc đã nhất trí nâng quan hệ song phương lên mức quan hệ đối tác chiến lược toàn diện của sự hợp tác cho thời đại mới. Ngoài vấn đề hợp tác song phương, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin đã thảo luận về các vấn đề quốc tế cùng quan tâm như vấn đề Syria, Triều Tiên, cuộc khủng hoảng Venezuela …

Sau cuộc gặp thượng đỉnh, hai nước đã ký kết tổng cộng 23 thỏa thuận về các lĩnh vực kinh tế, đầu tư và giáo dục. Nổi bật trong số đó là việc tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc và công ty viễn thông MTS của Nga hợp tác để phát triển mạng 5G tại Moskva trong năm tới.

Trong bối cảnh cả Nga và Trung Quốc đang chịu sức ép chưa từng có từ phía Mỹ, việc hai bên nhất trí phát triển quan hệ đối tác và hợp tác chiến lược toàn diện và chiến lược trong thời kỳ mới, cùng việc củng cố sự ổn định chiến lược trong thời kỳ hiện đại, đã trở thành động lực đưa quan hệ giữa hai cường quốc lên tầm cao mới.

Giới phân tích cho rằng những động thái của Mỹ có thể đã khiến Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn. Liam Carson, nhà kinh tế học thuộc trung tâm nghiên cứu Capital Economics, nhận định: "Các nhà hoạch định chính sách Nga-Trung đang cố gắng tăng cường quan hệ thương mại giữa hai nước trong những năm gần đây. Và không phải ngẫu nhiên mà sự gia tăng thương mại Nga-Trung này diễn ra cùng thời điểm Mỹ thắt chặt các lệnh trừng phạt với Nga và mối lo ngại về chiến tranh thương mại Mỹ-Trung gia tăng".

Bảo Hà/Báo Tin tức
Tổng thống Putin ngắm gấu trúc cùng Chủ tịch Tập Cận Bình
Tổng thống Putin ngắm gấu trúc cùng Chủ tịch Tập Cận Bình

Sau chương trình nghị sự tại Điện Kremlin, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cùng tới vườn thú Moskva để thăm hai con gấu trúc mà Trung Quốc đã chuyển tới Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN