Liên quan đến các nội dung thảo luận này, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đã trả lời phỏng vấn giới báo chí.
Đối thoại Shangri-La lần thứ 18 diễn ra trong bối cảnh an ninh khu vực đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ dưới tác động của cạnh tranh giữa các nước lớn, vậy xin Thứ trưởng cho biết đâu là những trọng tâm được các đại biểu thảo luận trong các phiên đối thoại?
Shangri-La năm 2019 có các thành phần, số lượng và nội dung mà các Đoàn Đại biểu quốc phòng các nước đem đến rất là đông đảo, phong phú. Điều này thể hiện hai khía cạnh về an ninh ở châu Á-Thái Bình Dương: Thứ nhất là ngày càng có nhiều nước trên thế giới quan tâm đến khu vực này, kể cả những nước lớn và những nước trong khu vực cũng như những nước ngoài khu vực. Khía cạnh thứ hai là tình hình an ninh châu Á-Thái Bình Dương lợi ích rất lớn, tương lai rất tốt đẹp nhưng mà thực tế có rất nhiều vấn đề đang nổi lên. Đó là vấn đề cạnh tranh giữa các nước lớn; tuân thủ luật pháp quốc tế; sử dụng sức mạnh quân sự trong việc xử lý các vấn đề giữa các cường quốc với nhau và giữa các cường quốc với các nước trong khu vực; tranh chấp lãnh thổ; môi trường hay những vấn đề mới về chiến tranh trong chương lai.
Chính vì vậy mà trong năm nay chủ đề của Shangri-La rất rộng. Có thể khái quát là Đối thoại đã đề cập đến những thách thức an ninh ở trong khu vực, cũng như làm thế nào để giải quyết nó để tất cả các nước đều được thụ hưởng lợi ích ở trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, kể cả nước lớn nhất thế giới cho đến nước nhỏ nhất đều phải được công bằng và được bảo trợ bởi một không khí an ninh và hòa bình.
Năm nay có ba chủ đề lớn: Thứ nhất là quan hệ giữa các nước lớn, thứ hai là đối phó với các thách thức mới và thứ ba là xử lý các vấn đề tranh chấp như thế nào. Liên quan đến nội dung thứ ba, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch có bài phát biểu quan trọng nêu lên quan điểm của Việt Nam về an ninh khu vực mà đặc biệt là cách làm mà Việt Nam đề xuất với khu vực và thế giới về giải quyết tranh chấp mà không để xảy ra xung đột. Một nội dung cũng rất được quan tâm là quan hệ giữa hai cường quốc trên thế giới Mỹ và Trung Quốc. Đầu tiên phải thấy là hợp tác và lợi ích của hai nước này là không thể bỏ đi được. Hai nước vẫn hợp tác với nhau nhưng mà những mâu thuẫn và tranh chấp về kinh tế, về thương mại, về các vấn đề về luật pháp quốc tế hết sức căng thẳng cho nên các nước rất quan tâm. Vậy Trung Quốc và Mỹ sẽ nói gì trong Hội nghị này, đặc biệt là khi mà 8 năm nay Trung Quốc mới cử một Bộ trưởng Quốc phòng sang dự Shangri-La. Đây là vấn đề quan tâm hàng đầu của các nước trong khu vực.
Vấn đề thứ hai các nước quan tâm là hiện nay trong khu vực đang nổi lên rất nhiều tranh chấp và lợi ích của các nước càng phong phú thì tranh chấp càng đa dạng và mỗi một nước đều có lợi ích riêng của họ. Vậy làm thế nào để có thể giải quyết được những tranh chấp này?
Thứ ba là trước tình hình mới hiện nay có nhiều vấn đề mới về an ninh đòi hỏi phải có sự hợp tác xuyên quốc gia để có thể giải quyết như vấn đề an ninh phi truyền thống hay vấn đề an ninh mạng và những vấn đề khác... Và điểm đặc biệt là khác với những lần trước, tại Đối thoại Shangri-La lần này, mối quan tâm của các nước ngày càng thực chất hơn và nó thể hiện rõ hơn tiếng nói của các nước nhỏ. Các nước nhỏ bây giờ tham gia diễn đàn với tư cách bình đẳng và có tiếng nói như là các nước lớn. Tôi cho rằng đây là một điểm mới và là điểm tiến bộ của Đối thoại Shangri-La lần này.
Như Thứ trưởng đã biết, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long là người phát biểu dẫn đề khai mạc, trong đó bài phát biểu của ông Lý Hiển Long nhấn mạnh vai trò của các nước nhỏ trong việc tham gia vào các thể chế đa phương, cũng như khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực. Vậy xin Thứ trưởng cho biết những nhận định của mình về vấn đề này?
Tôi cho rằng tính trung tâm của các quốc gia ASEAN trong các hợp tác đa phương trong khu vực là nhân tố quyết định đến tương lai ổn định và phát triển của khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng. Nhưng đây cũng lại là một thách thức trong thời điểm hiện nay là liệu tính trung tâm ấy có tồn tại không. Nó lại xuất phát từ việc liệu ASEAN có được tiếng nói chung, có sự đoàn kết trước những vấn đề lớn của khu vực hay không. Đây là vấn đề mà tất cả các nước đều băn khoăn làm sao có được tiếng nói chung khi mà lợi ích khác nhau và mối quan hệ giữa các nước ASEAN và các nước lớn cũng khác nhau. Làm sao có được, giữ được sự thống nhất để có được vị trí trung tâm ? Đây là một vấn đề mà các nước ASEAN cũng đều phát biểu. Đó là phải dựa trên tiêu chí cơ bản về lợi ích, về an ninh đó là luật pháp quốc tế, đó là lợi ích chính đáng của các quốc gia để mà hành xử với các nước lớn. Và như vậy chúng ta sẽ có được tiếng nói trung tâm. Bài phát biểu của Thủ tướng Lý Hiển Long cũng hết sức có ý nghĩa khi ông đề cập đến cả một quá trình dài mà khu vực này đã trải qua rất nhiều thăng trầm để rồi có được sự bình yên ổn định nhưng chưa bền vững như hôm nay và ông lo ngại cho một tương lai chưa bền vững. Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Lý Hiển Long cũng đề xuất ra những giải pháp, những cách tư duy, cách tiếp cận để tìm kiếm sự bền vững, hòa bình, ổn định của ASEAN nói riêng và của châu Á-Thái Bình Dương nói chung.