Chính phủ Mỹ đảo ngược chính sách thị thực cho sinh viên quốc tế
Trong một động thái đảo ngược chính sách nhập cư hiếm hoi và bất ngờ, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đồng ý hủy bỏ quy định gây tranh cãi về việc cấm sinh viên nước ngoài tiếp tục ở lại Mỹ nếu các trường mà họ đang theo học không tổ chức các buổi học trực tiếp trên lớp vào mùa thu này.
Thẩm phán Allison Burroughs tại Massachusetts (M.I.T) ngày 14/7 đã thông báo quyết định trên tại một phiên điều trần tòa án liên bang liên quan đến vụ kiện chính phủ do Đại học Havard và Viện Công nghệ Massachusetts khởi xướng.
Trước đó một ngày, 17 bang ở Mỹ và thủ đô Washington đã phát đơn kiện Bộ An ninh Nội địa về quy định cấm các sinh viên nước ngoài tiếp tục ở lại Mỹ nếu các trường mà họ đang theo học không tổ chức các buổi học trực tiếp trên lớp. Đại học Harvard và Viện M.I.T cũng kiện chính quyền của Tổng thống Donald Trump liên quan quy định nói trên. Khoảng 60 trường đại học tại Mỹ đã bày tỏ sự ủng hộ đối với hai trường đại học hàng đầu này.
Tuần trước, quy định thắt chặt thị thực của chính quyền Tổng thống Trump đã gây ra một làn sóng phản ứng mạnh mẽ từ các nhà làm giáo dục và nhà lập pháp – những người cho biết chính sách mới đe dọa kế hoạch giảng dạy của các trường đại học cũng như cuộc sống của gần 1 triệu sinh viên quốc tế tới Mỹ du học hàng năm.
Ngày 6/7, Cơ quan Hải quan và Thị thực Di trú Mỹ (ICE) thông báo sẽ không cho phép sinh viên nước ngoài ở lại Mỹ nếu toàn bộ học kỳ mùa thu tới của họ được chuyển sang hình thức học trực tuyến. Nếu muốn tiếp tục cư trú hợp pháp tại Mỹ, các sinh viên phải có biện pháp khác như đổi sang một trường giảng dạy trực tiếp. Các trường đại học tại Mỹ có một hệ thống hỗn hợp giữa các lớp trực tuyến và trực tiếp lên lớp) sẽ phải chứng minh rằng sinh viên nước ngoài của mình đến lớp học trực tiếp ngay khi có thể để duy trì quy chế cư trú của họ.
ICE cũng cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ không cấp thị thực cho các sinh viên đăng ký vào các trường hoặc chương trình học trực tuyến hoàn toàn trong học kỳ mùa thu tới và Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) sẽ không cho phép các sinh viên này nhập cảnh.
Nhiều công ty công nghệ lớn và doanh nghiệp của Mỹ, trong đó có Văn phòng Thương mại Mỹ, Google và Facebook đều lên tiếng phản đối quy định, cho rằng quy định này sẽ gây ra hậu quả kinh tế nghiêm trọng. “Sự cạnh tranh trong tương lai của nước Mỹ phụ thuộc vào việc thu hút cũng như giữ chân những sinh viên quốc tế tài năng. Trong khi các sinh viên quốc tế được hưởng lợi từ quá trình học tập nghiên cứu tại Mỹ, họ cũng góp phần làm giàu nền kinh tế Mỹ”, các công ty giải thích.
Hiện có trên 1 triệu sinh viên nước ngoài đang học tại các trường đại học, cao đẳng Mỹ, trong đó có nhiều trường phụ thuộc tài chính từ nguồn sinh viên quốc tế - những người chi trả học phí cao hơn và đầy đủ so với sinh viên trong nước. Theo dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ, năm 2018, các du học sinh đóng góp 44,7 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ. Trong số các sinh viên quốc tế, sinh viên Trung Quốc vẫn chiếm số lượng đông nhất, kế đến là Ấn Độ, Hàn Quốc, Saudi Arabia và Canada.
COVID-19 đổ xô kỷ lục nhiều nơi
Trong tuần qua, nhiều nơi trên thế giới đã ghi nhận số ca nhiễm mới, xô đổ mọi kỷ lục trước đó về số người mắc bệnh. Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 15h ngày 18/7, số ca nhiễm mới trên thế giới đã vượt quá 14 triệu trường hợp, trong đó gần 600.000 ca tử vong.
Với con số trên 3,7 triệu ca mắc, Mỹ hiện là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất. Ngày 17/7, Mỹ ghi nhận thêm 73.388 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 mới. Đây được cho là ngày nước Mỹ ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 nhất kể từ đầu đại dịch tới nay.
Trong 10 ngày trở lại đây, số ca mắc COVID-19 ở Mỹ liên tục tăng ở mức 55.000 đến 65.000 ca/ngày. Số ca mắc COVID-19 ở Mỹ đã tăng cao trở lại kể từ cuối tháng 6 vừa qua, chủ yếu ở các bang miền Nam và Tây nước này. Đáng chú ý, hai bang Texas và Florida ghi nhận số ca bệnh ở mức trên 10.000 ca/ngày, lên mức cao nhất kể từ khi bùng dịch.
Tiếp đó sau Mỹ là Brazil với số ca nhiễm bệnh đã vượt mốc 2 triệu người. Số ca mắc tại Brazil là 2.048,697 ca nhiễm và 77.932 ca tử vong tính đến 15h ngày 18/7. Chính phủ Brazil trước đó đã vấp phải nhiều chỉ trích vì cách ứng phó với đại dịch. Sau một tuần thông báo mắc COVID-19, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cho biết một lần nữa ông nhận kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Tại Ấn Độ - quốc gia đứng thứ ba thế giới về số ca mắc, sáng 17/7, nước này ghi nhận số ca nhiễm cao kỷ lục, ở mức 35.468 ca trong 24 giờ, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên trên 1 triệu ca, trong đó có 24.609 ca tử vong.
Ở Đông Nam Á, trong ngày 16/7, Philippines ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 cao kỷ lục với 2.498 trường hợp, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 61.266. Đây là ngày có số ca mắc cao nhất trong hơn một tuần qua. Trước tình hình dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng, người phát ngôn của Tổng thống Philippines cho biết Tổng thống Rodrigo Duterte đã kéo dài một phần các biện pháp hạn chế tại thủ đô Manila thêm hai tuần nữa, đồng thời cảnh báo sẽ tái áp đặt các biện pháp phòng dịch siết chặt hơn.
Bất chấp tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, một số tín hiệu tích cực trong ngăn ngừa đại dịch vẫn xuất hiện. Bộ Quốc phòng Nga ngày 15/7 thông báo đã phát triển được một loại vắc-xin "an toàn" ngăn ngừa virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sau các cuộc thử nghiệm lâm sàng trên tình nguyện viên. Về phần mình, vắc-xin của Trung Quốc đã chứng mình được hiệu quả phòng ngừa các chủng virus SARS-CoV-2. Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc Sinopharm cho biết vắc-xin bất hoạt phòng COVID-19 do tập đoàn này phát triển sẽ có mặt trên thị trường vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2021. Trong khi đó, vắc-xin phòng COVID-19 của công ty Moderna (Mỹ) vào bước vào giai đoạn thử nghiệm cuối cùng ở người.