Theo thông báo, chính phủ Mỹ cùng hai trường là là Đại học Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts đã tìm được giải pháp, cụ thể là đảo ngược quyết định mới đây về thị thực đối với sinh viên nước ngoài, cũng như khôi phục lại trạng thái như trước đó.
Thời gian qua, do lo ngại có thể trở thành những ổ dịch COVID-19 khiến nhiều trường đại học tại Mỹ áp dụng các biện pháp nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm, từ việc đeo khẩu trang trong phòng học cho đến hạn chế các hoạt động xã hội nhằm giảm số sinh viên phải đến trường. Nhiều trường đã thông báo hình thức học hỗn hợp, cho phép các lớp học trực tiếp bên cạnh một lượng lớn tín chỉ được học qua hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, Bộ An ninh Nội địa Mỹ và Cơ quan Hải quan và Thị thực Di trú Mỹ (ICE) đã ra quyết định vô hiệu hóa thị thực F-1 và M-1 của sinh viên nước ngoài, nếu cơ sở giáo dục họ được đăng ký chuyển sang các khóa học trực tuyến, theo đó có thể tước đi tư cách pháp lý của các sinh viên này khi ở lại Mỹ.
Quyết định mới được dự báo là có thể làm giảm mạnh số sinh viên quốc tế đăng ký khóa học mùa Thu tới. Cùng với việc trì hoãn cấp thị thực do dịch bệnh, quy định mới sẽ làm nản chí các sinh viên nước ngoài dự định học tại Mỹ. Những sinh viên quốc tế tại các trường đại học không có kế hoạch mở các lớp học trực tiếp (trong đó có Đại học Harvard và Đại học Nam California) sẽ được yêu cầu phải về nước nếu đang ở Mỹ. Những sinh viên đang ở nước ngoài sẽ không được cấp thị thực nhập cảnh nếu các khóa học được diễn ra trực tuyến hoàn toàn. Quy định này sẽ ảnh hưởng đến các sinh viên nước ngoài thuộc diện F-1 (theo học nghiên cứu, học thuật) và M-1 (theo học nghề) học hoàn toàn bằng hình thức trực tuyến. Theo thống kê, trong tài khóa 2019, Mỹ đã cấp 388.839 thị thực F và 9.518 thị thực M.
Theo Viện Giáo dục Quốc tế (IIE), trong năm học 2018-2019, số sinh viên quốc tế tại Mỹ là hơn 1 triệu người, chiếm 5,5% sinh viên đại học ở Mỹ. Trong năm 2018, lực lượng này đóng góp 44,7 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ. Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Saudi Arabia và Canada là những nước có sinh viên học tại Mỹ đông đảo nhất.