Bài toán cải cách luật súng đạnSinh viên tuần hành yêu cầu kiểm soát súng đạn tại Washington DC., ngày 21/2. Ảnh: THX/TTXVN |
Vụ xả súng xảy ra tại một trường học ở thành phố Parkland, bang Flordia ngày 14/2 cướp đi sinh mạng của 17 học sinh và giáo viên đã khiến dư luận Mỹ chấn động và bất bình về tình hình kiểm soát súng đạn tại nước này.
Trong làn sóng phản đối, hàng nghìn học sinh đến từ các trường trung học ở Mỹ đã nghỉ học ngày 21/2 để tham gia biểu tình yêu cầu cải cách luật kiểm soát súng đạn và để tưởng niệm các nạn nhân của vụ xả súng tại bang Florida.
Các cuộc biểu tình tuần hành trên nhằm gây sức ép hối thúc cơ quan lập pháp cần có hành động để kiểm soát việc sử dụng súng đạn. Những lời kêu gọi nhằm trực tiếp vào việc kiểm soát súng trường AR-15 – vũ khí sử dụng trong vụ xả súng ở Floria mà hung thủ 19 tuổi mua một cách hợp pháp.
Cùng ngày, tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chủ trì một cuộc gặp mặt đầy cảm xúc kéo dài một tiếng đồng hồ với các học sinh – những người sống sót trong vụ xả súng tuần trước – và cha mẹ của những học sinh xấu số.
Tổng thống Trump đã đề xuất giải pháp trang bị súng tận tay các giáo viên. Tổng thống Trump phát biểu: “Nếu các giáo viên thành thạo về các loại súng, người đó nhiều khả ngăn chặn nhanh chóng được cuộc tấn công”. Tổng thống Trump đồng thời nói rằng các trường học có thể trang bị vũ khí cho 20% giáo viên để chặn đứng “những kẻ mất trí” muốn tấn công họ.
Không chỉ có vậy, bày tỏ qua tài khoản cá nhân Twitter, Tổng thống Trump còn thể hiện sự ủng hộ các giải pháp ngăn chặn tình trạng xả súng trường học bao gồm xét lý lịch cá nhân của người mua súng, nâng độ tuổi hợp pháp mua súng lên 21 và chấm dứt việc bán các bộ phận "độ" súng.
Ngày 23/2, phát biểu với tại Hội nghị Hành động chính trị bảo thủ (CPAC), Tổng thống Trump tuyên bố ý tưởng về việc xây dựng một dự luật kiểm soát súng đạn, trong đó có quy định không cấp phép sở hữu súng đạn cho những đối tượng dưới 21 tuổi, tăng cường trang bị súng đạn cho các nhân viên an ninh và giáo viên tại các trường học của Mỹ.
Nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định Hiệp hội Súng trường Quốc gia (NRA) và Quốc hội Mỹ sẽ đồng ý với kế hoạch của ông. Tuy nhiên, theo hãng tin FOX (Mỹ), NRA, từng tài trợ ông Trump trong cuộc tranh cử năm 2016, đã nhanh chóng từ chối bất cứ thảo luận nào liên quan tới việc nâng độ tuổi của người mua súng lên 21.
Chiến sự Syria bất ngờ leo thang
Khói bốc lên sau các cuộc không kích ở Đông Ghouta, Syria ngày 19/2. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR), trong tuần này, khoảng 250 dân thường đã bị thiệt mạng trong các đợt không kích tại Đông Ghouta hiện nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng nổi dậy. Nguyên nhân khiến chiến sự tiếp diễn dữ dội là do quân chính phủ gia tăng chiến dịch giải phóng khu vực có hơn 400.000 thường dân sinh sống này. Ngay lập tức, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi ngừng ngay lập tức "những hoạt động chiến tranh" tại Đông Ghouta.
Trong khi đó, theo Hãng thông tấn nhà nước SANA của Syria, nằm trong chiến dịch quân sự "Cành ôliu" nhằm đánh bật các tay súng thuộc Các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG), ngày 20/2, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã nã pháo vào các lực lượng thân Chính phủ Syria sau khi lực lượng này tiến vào vùng Afrin. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố lực lượng Syria đã phải rút lui sau khi dính hỏa lực ngăn chặn từ pháo binh Thổ.
Trước tình cảnh rối ren tại Syria, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã thông qua nghị quyết yêu cầu ngừng bắn 30 ngày trên toàn lãnh thổ Syria.
Trong một diễn biến liên quan, theo một số nguồn tin và những hình ảnh video phát tán trên mạng xã hội, Nga đã điều 2 máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 Su-57 tới chiến trường Syria. Hiện đại diện quân sự cũng như đại diện công nghiệp quốc phòng Nga vẫn chưa chính thức xác nhận thông tin và các hình ảnh này. Theo ý kiến của các chuyên gia, mục đích Nga điều Su-57 tới Syria là nhằm thu thập thêm trải nghiệm hoạt động cũng như đóng vai trò marketing vũ khí, thúc đẩy doanh số xuất khẩu vũ khí của Nga.