Thế giới tuần qua: Mỹ ‘căng mình’ xử lý tên lửa Triều Tiên, đàm phán thương mại với Trung Quốc

Hai vụ phóng tên lửa của Triều Tiên và tình hình chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang là những sự kiện đáng chú ý trên thế giới trong tuần qua.

Triều Tiên phóng loạt vật thể liên tiếp

Chú thích ảnh
Một loại rocket được phóng thử trong cuộc diễn tập của Quân đội Nhân dân Triều Tiên ở miền Tây nước này. Ảnh: AFP/TTXVN

Hai diễn biến phóng vũ khí liên tiếp, cùng với tuyên bố của Triều Tiên về một cuộc diễn tập "tấn công tầm xa" đã làm tình hình an ninh trên Bán đảo Triều Tiên nóng lên sau một thời gian dài lặng sóng.

Chiều 9/5, Triều Tiên đã tiến hành phóng thử nhiều vật thể bay tại tỉnh Bắc Pyongan, cách thủ đô Bình Nhưỡng 77km về phía Tây Bắc. Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết các vật thể bay mà Triều Tiên phóng có thể là 2 tên lửa tầm ngắn, bay được tương ứng 420km và 270km về phía Đông trước khi rơi xuống biển.

Cùng ngày, Lầu Năm Góc xác nhận các vụ phóng của Triều Tiên bao gồm nhiều tên lửa đạn đạo. Các tên lửa đã bay hơn 300 km theo hướng Đông, trước khi rơi xuống biển.

Về phần mình, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) trích tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước này cho biết Chủ tịch Kim Jong-un đã giám sát một cuộc diễn tập "tấn công tầm xa". Đây chỉ là cuộc diễn tập “thường kỳ và mang tính tự vệ”.

Vụ phóng tên lửa ngày 9/5 là vụ vụ thử vũ khí thứ hai của Triều Tiên trong vòng chưa đầy một tuần. Trước đó, vào sáng 4/5, Triều Tiên cũng đã tiến hành một vụ phóng thử mà theo JCS là "những vật thể bay tầm ngắn chưa xác định" song khẳng định "không phải là tên lửa đạn đạo".

Ngày 10/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông không coi các vụ phóng tên lửa mới đây của Triều Tiên là hành động "phản bội niềm tin". Trả lời trang tin Politico, Tổng thống Trump đánh giá các vụ thử tên lửa mới đây của Triều Tiên là "điều rất bình thường". Với tuyên bố này, nhà lãnh đạo Mỹ dường như sẽ để ngỏ cánh cửa cho các cuộc đối thoại mới với Triều Tiên.   

Động thái của Triều Tiên được giới phân tích cho là phát đi nhiều thông điệp trong bối cảnh đàm phán hạt nhân bị đình trệ sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai. Một mặt, Triều Tiên muốn gây sức ép đối với Mỹ, bày tỏ thái độ để hối thúc Mỹ có hành động cụ thể trong vấn đề đàm phán hạt nhân. Mặt khác, Triều Tiên rõ ràng đang muốn phô trương sức mạnh, thể hiện hình ảnh một đất nước có tiềm lực quân sự mạnh mẽ, có đủ khả năng đương đầu với các mối đe dọa từ bên ngoài.

Tuy nhiên, giới phân tích cũng cho rằng các bước đi của Triều Tiên đang được thực hiện một cách cẩn trọng và được điều chỉnh để không tới mức khiêu khích Washington, khiến tình thế ngoại giao xấu đi do điều này sẽ là đòn giáng cho mục tiêu của Triều Tiên trong việc thúc đẩy nới lỏng trừng phạt quốc tế cũng như đẩy mạnh chương trình nghị sự kinh tế.

Ông Go Myong-hyun, một nhà phân tích của Viện Nghiên cứu chính sách Asan lưu ý: "Triều Tiên chưa một lần sử dụng từ 'tên lửa"'. Các thông tin của truyền thông nhà nước Triều Tiên thay vì thế đã mô tả những tên lửa này là "các vũ khí dẫn đường chiến thuật" và "các vật thể bay".

Đàm phán thương mại Mỹ-Trung gặp bế tắc

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (trái, phía trước) trong cuộc gặp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer ngày 10/5. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 10/5, sau khi kết thúc đàm phán hai bên về tranh chấp thương mại, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer trong một thông báo cho biết, Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu bắt đầu quy trình tăng thuế đối với gần như toàn bộ số hàng hóa còn lại nhập khẩu từ Trung Quốc, với giá trị khoảng 300 tỷ USD. Chi tiết về quy trình công báo và lấy ý kiến sẽ được công bố vào ngày 13/5, trước khi quyết định cuối cùng dự kiến được đưa ra vài tháng sau đó.

Phía Mỹ đưa ra động thái này chưa đầy 24 giờ sau khi tăng thuế từ 10% lên 25% đối với lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc.

Một số nhà phân tích cho rằng Tổng thống Trump đang tìm cách gây sức ép lên Bắc Kinh để cuối cùng ký kết một thỏa thuận thương mại đem lại lợi ích cao. Trong khi đó, một bộ phận khác coi lời đe dọa áp thuế của nhà lãnh đạo Mỹ là dấu hiệu cho thấy các cuộc đàm phán dài hơi với Trung Quốc đang bị phá vỡ. Stapleton Roy, cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc kiêm Giám đốc sáng lập của Viện Kissinger nhận định đây là một chiến thuật gây sức ép được đưa ra để tìm cách giành được kết quả phù hợp với những điều kiện Mỹ đang có.

Trưởng đoàn đàm phán của Trung Quốc, Phó Thủ tướng Lưu Hạc nói Trung Quốc sẽ phản ứng trước bất kỳ quyết định về thuế nào của Mỹ.

Các quan chức cấp cao hai nước đã kết thúc cuộc đàm phán thương mại trong hai ngày 9-10/5 mà không đạt thỏa thuận nào và cũng không được coi là thất bại, mang đến hy vọng rằng hai bên có thể tìm kiếm giải pháp để không gây tổn thất cho kinh tế toàn cầu.

Phó Thủ tướng Lưu Hạc khẳng định các cuộc đàm phán mới sẽ tiếp tục nối lại tại Bắc Kinh, song ông cảnh báo rằng sẽ không có "nhượng bộ" về các nguyên tắc quan trọng.               

Chính sách áp thuế mới đã chấm dứt tình trạng “đình chiến” kéo dài 5 tháng trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Đầu năm 2019, Tổng thống Trump quyết định tạm hoãn tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, với lý do tiến trình đàm phán thương mại giữa hai nước có tiến triển và cho rằng một lệnh tăng thuế có thể làm nguy hại tiến trình đàm phán.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Tổng thống Mỹ coi vụ Triều Tiên phóng tên lửa mới đây là 'rất bình thường'
Tổng thống Mỹ coi vụ Triều Tiên phóng tên lửa mới đây là 'rất bình thường'

Ngày 10/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông không coi các vụ phóng tên lửa mới đây của Triều Tiên là hành động "phá vỡ niềm tin".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN