WHO đánh giá vaccine của AstraZeneca an toàn
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến khích tiếp tục sử dụng vaccine COVID-19 của hãng dược phẩm Anh AstraZeneca sau khi 10 quốc gia đã tạm dừng tiêm loại vaccine này vì lý do an toàn.
Hãng Bloomberg (Mỹ) dẫn lời một số quan chức WHO ngày 12/3 cho biết các chuyên gia đang đánh giá về thông tin một số trường hợp tiêm vaccine AstraZeneca mắc chứng đông máu. Theo WHO, không có lý do gì để ngừng tiêm vaccine AstraZeneca trừ trường hợp xác định được rõ mối liên hệ giữa việc tiêm vaccine này và chứng máu đông.
Theo Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA), Áo đã tạm ngưng sử dụng lô vaccine AstraZeneca có tên ABV5300 sau khi có một người tiêm mắc chứng đa tắc nghẽn tĩnh mạch. Tính đến ngày 9/3, Estonia, Lithuania, Luxembourg và Latvia cũng ngừng sử dụng ABV5300.
Tiếp đó, Đan Mạch, Italy và Na Uy thông báo tạm ngừng sử dụng vaccine AstraZeneca. Không riêng tại châu Âu, Thái Lan cũng quyết định tạm thời đình chỉ tiêm vaccine của hãng dược phẩm Anh này.
Cơ quan giám sát vaccine của Đức cho biết đã ghi nhận 11 trường hợp mắc chứng máu đông trong tổng số 1,2 triệu người tiêm vaccine COVID-19 của AstraZeneca tại nước này. Nhưng đơn vị này cũng nhấn mạnh không có bằng chứng cho thấy vaccine của AstraZeneca liên quan đến chứng máu đông.
Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn ngày 12/3 nói: “Tôi lấy làm tiếc rằng một số quốc gia EU đã ngừng tiêm vaccine của AstraZeneca. Hầu như họ đã không nghe theo lời khuyên của các chuyên gia và giới chức có liên quan”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran ngày 11/3 tiết lộ chỉ có 30 người mắc chứng máu đông trong tổng số 5 triệu người tiêm vaccine AstraZeneca khắp châu Âu. Ông Veran cũng khẳng định không có bằng chứng về mối liên quan. Bộ trưởng Y tế Pháp phản đối việc ngưng tiêm vaccine AstraZeneca.
AstraZeneca cũng đưa ra phản hồi: “Phân tích dữ liệu an toàn của chúng tôi trên 10 triệu trường hợp, không có bằng chứng về gia tăng rủi ro tắc mạch phổi hoặc chứng huyết khối tĩnh mạch sâu ở các nhóm tuổi, giới tính, lô vaccine hoặc một quốc gia đặc biệt nào”.
Vấn đề liên quan đến AstraZeneca xảy ra ở thời điểm công ty dược này nhiều khả năng chỉ chuyển giao được chưa đầy 50% số vaccine đã cam kết với châu Âu trong quý hai của năm. Diễn biến này còn gây ảnh hưởng về kinh tế với AstraZeneca khi cổ phiếu của công ty này trong phiên giao dịch chiều 12/3 đã giảm 1,11% giá trị.
Hãng thông tấn AFP (Pháp) đánh giá vaccine COVID-19 do AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford sản xuất có giá thành tương đối rẻ và dễ tích bảo quản hơn những loại vaccine khác.
Tổng thống Biden tránh tập trung toàn phần vào Trung Quốc trong cuộc họp QUAD
Theo Bloomberg, Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trương tăng cường quan hệ với các đồng minh châu Á và ông đang định hình lại phương pháp truyền thông điệp của Washington khi đề cập đến Bắc Kinh.
Các chuyên gia đánh giá cuộc họp đầu tiên của "bộ tứ kim cương" (còn gọi là QUAD) dưới thời Tổng thống Biden cho thấy quan điểm thống nhất của Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia trước một Trung Quốc ngày càng phát triển về kinh tế và quân sự. Nhưng ngay cả vậy, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia vẫn cẩn trọng trong việc bị kéo vào liên minh đối trọng với Trung Quốc bởi mối quan hệ thương mại giữa những quốc gia này với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Do vậy, ngoài Trung Quốc, chính quyền Tổng thống Biden cũng tập trung trao đổi với các thành viên còn lại của QUAD về những vấn đề khác trong đó có chống biến đổi khí hậu, dịch COVID-19…
Bloomberg cho rằng Tổng thống Biden sẽ giữ quan điểm cứng rắn giống người tiền nhiệm Donald Trump đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này cũng tránh thể hiện với các quốc gia châu Á khác rằng ông quan tâm đến những nước này chỉ vì cần được hỗ trợ để đối trọng với Trung Quốc.
Mở màn hội nghị trực tuyến với lãnh đạo các quốc gia khác thuộc QUAD, ông Biden nêu rõ: “Mỹ cam kết hợp tác với các bạn - đối tác, đồng minh của chúng tôi trong khu vực - để đạt được ổn định”.
Bốn nhà lãnh đạo Mỹ, Ấn Độ, Australia và Nhật Bản cam kết đến cuối năm 2022 sẽ chuyển 1 tỷ liều vaccine COVID-19 cho Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương và nhiều nơi khác.
Ngoài ra, QUAD cũng thành lập nhóm chuyên gia vaccine cấp cao bao gồm những nhà khoa học và quan chức hàng đầu từ mỗi quốc gia. Nhóm này dự kiến phát triển kế hoạch cho nỗ lực vaccine của QUAD.
Trong cuộc họp trực tuyến ngày 12/3, Tổng thống Biden còn tập trung vào vấn đề chiến đấu chống khủng hoảng khí hậu.
Khi được hỏi về cuộc họp của nhóm QUAD, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho rằng trao đổi giữa các chính phủ nên nhằm mục đích thấu hiểu, tránh nhắm đến bên thứ ba.
Mỹ dự kiến khởi động hàng loạt hoạt động thể hiện cam kết với các quốc gia châu Á. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin trong tháng 3 có lịch trình đến Nhật Bản và Hàn Quốc để tái bảo đảm về các thỏa thuận an ninh. Sau đó, Bộ trưởng Austin sẽ đến Ấn Độ. Các quan chức cấp cao Mỹ và Trung Quốc cũng có kế hoạch nhóm họp.