Thế giới tuần qua: EU và AstraZeneca tranh cãi về vaccine; Tổng thống Mỹ ký hàng loạt sắc lệnh

Tranh cãi giữa EU và công ty dược AstraZeneca liên quan đến nguồn cung vaccine COVID-19 và Tổng thống Mỹ Joe Biden ký hàng loạt sắc lệnh sau khi nhậm chức là những vấn đề quốc tế nổi bật tuần qua.

Tranh cãi về nguồn cung vaccine COVID-19

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Anh ngày 27/1. Ảnh: CNN

Nguồn cung vaccine đang là nguyên nhân gây tranh cãi giữa Liên minh châu Âu (EU) và công ty dược AstraZeneca của Anh.

Kênh CNN (Mỹ) cho biết EU đã ký hợp đồng với AstraZeneca để đặt hàng 400 triệu liều vaccine và kỳ vọng sẽ được chuyển giao từ cuối tháng 3. Tuy nhiên, các lãnh đạo EU đã rất giận dữ trước thông tin AstraZeneca ưu tiên cung cấp vaccine cho Anh trước. EU đã tiến hành điều tra tại chỗ ở một nhà máy của AstraZeneca ở Bỉ vào ngày 28/1 để đảm bảo công ty dược này “thật thà” khi nói về nguồn cung thấp.

Về phần AstraZeneca, Tổng giám đốc điều hành Pascal Soriot công khai về việc cung cấp vaccine phòng COVID-19 cho Anh trước. Ông Pascal Soriot ngày 27/1 chia sẻ với tờ la Republicca (Italy): “Hợp đồng với Anh đã được ký trước”. Theo ông này, hợp đồng với EU không ép buộc về mặt pháp lý cho lịch trình cụ thể.

Ủy viên châu Âu phụ trách y tế Stella Kyriakides đã phản đối lập luận của ông Pascal Soriot. Đến ngày 29/1, ông Pascal Soriot cho biết AstraZeneca đang làm việc 24/7 để đảm bảo nguồn nguyên liệu mới và nâng cấp nguồn cung.

Cùng ngày 29/1, EU áp đặt lệnh kiểm soát xuất khẩu vaccine với lập luận đây là động thái mang tính minh bạch.

Chú thích ảnh
Nhiều nước đã đặt hàng số lượng lớn vaccine phòng COVID-19. Ảnh: Reuters

Các nước giàu tiếp tục đảm bảo nhiều thỏa thuận mua vaccine. Riêng Anh đã đảm bảo được 360 triệu liều và dự kiến mua thêm 150 triệu liều, trong khi dân số nước này chỉ là 56 triệu người. EU cũng đảm bảo 1,6 tỷ liều, đủ để tiêm cho số người gấp 3 lần dân số hiện tại của khối. Canada cũng đặt hợp đồng mua vaccine với số lượng gấp 4 lần dân số nước này.

Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới từ 25/1-29/1, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa chỉ trích các nước giàu tích trữ vaccine COVID-19. Ông Cyril Ramaphosa đề nghị những nước này chia sẻ với các quốc gia yếu thế khác.

Bác sĩ Nashwa Ahmad tại Bệnh viện South City ở Karachi, Pakistan chia sẻ với CNN rằng cô và các đồng nghiệp đã chờ đợi trong nhiều tuần thông tin về việc tiếp cận vaccine COVID-19. Cô nói: “Điều này có nghĩa là những nhân viên y tế như chúng tôi tiếp tục phải làm việc nhiều giờ mà không được vaccine bảo vệ. Điều này thật khó khăn”.

Tổng thống Mỹ ký hàng loạt sắc lệnh

Chú thích ảnh
Tổng thống Biden ký sắc lệnh tại Nhà Trắng. Ảnh: The Nation

Trong tuần đầu bước vào Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden đã ký tới 24 sắc lệnh hành pháp. Nếu so sánh, cùng khoảng thời gian này, ông Trump đã ký 4 sắc lệnh, ông Barack Obama ký 5 sắc lệnh, còn ông George W Bush không ký sắc lệnh nào.

Ông Bryan Cranston tại Đại học Swinburne (Australia) đánh giá phần lớn các sắc lệnh ông Biden đã ký có liên quan tới dịch COVID-19. Bên cạnh đó, qua các sắc lệnh, nhà lãnh đạo Mỹ cũng áp dụng thêm biện pháp bảo vệ môi trường, thay đổi chính sách nhập cư. Ngày 20/1, sau khi chính thức bước chân vào Nhà Trắng và có các quyết sách đầu tiên, tân Tổng thống Biden đã hủy bỏ nhiều lệnh hạn chế nhập cư năm 2017 của người tiền nhiệm Donald Trump. Ông Biden còn đưa Mỹ quay trở lại Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và thành lập Hội đồng cố vấn về khoa học và công nghệ cho Tổng thống.

Tổng thống Biden cũng chủ trương “hồi sinh” các quyết sách từ thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama. Một ví dụ là ông đã bãi bỏ chính sách của chính quyền cựu Tổng thống Trump về cấm người chuyển giới phục vụ trong quân đội. Trước đó, cựu Tổng thống Obama đã tạo nền tảng để người chuyển giới có thể công khai nhập ngũ. Ông Biden còn ký biên bản ghi nhớ về "Chương trình Hành động trì hoãn trục xuất những người nhập cư trái phép vào Mỹ từ khi còn nhỏ" (DACA) vốn có từ thời ông Obama. Cựu Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh bãi bỏ DACA năm 2017.

Một diễn biến đáng chú ý khác là Nga và Mỹ đã nhất trí gia hạn thêm 5 năm Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START). Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Mỹ Biden có cuộc điện đàm đầu tiên vào ngày 26/1. Sau cuộc điện đàm, Điện Kremlin ra tuyên bố cho biết hai nhà lãnh đạo bày tỏ hài lòng về việc gia hạn New START. Đến ngày 29/1, Tổng thống Vladimir Putin đã ký luật gia hạn New START.

Hà Linh/Báo Tin tức
Thêm nhiều nước cấp phép sử dụng vaccine AstraZeneca/Orford và Sputnik V
Thêm nhiều nước cấp phép sử dụng vaccine AstraZeneca/Orford và Sputnik V

Bộ Y tế Kuwait ngày 29/1 đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 do hãng dược phẩm AstraZeneca (Thụy Điển) và Đại học Oxford (Anh) phối hợp phát triển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN