Nhà lãnh đạo bị phế truất sau 3 thập kỷ
Quân đội Sudan đã đảo chính lật đổ Tổng thống Omar al-Bashir ngày 11/4, kết thúc 30 năm cầm quyền của nhà lãnh đạo này.
Hãng thông tấn AP (Mỹ) cho biết cuộc đảo chính diễn ra sau nhiều tháng người dân đổ ra đường biểu tình phản đối chính quyền Tổng thống Bashir. Tuy nhiên, khi quân đội Sudan tuyên bố lãnh đạo quốc gia trong 2 năm tới, người biểu tình khẳng định họ sẽ tiếp tục đổ ra đường phố.
Tổng thống Bashir “ngã ngựa” chỉ khoảng 1 tuần sau khi Tổng thống Algeria Abdelaziz Bouteflika rời vị trí lãnh đạo khi đã đảm nhận đến nhiệm kỳ thứ 4. AP cho rằng những diễn biến này là mang nhiều tương đồng với “Mùa xuân Arab” diễn ra cách đây 8 năm.
Ông Bashir lên nắm quyền lực từ năm 1989. Trong thời gian qua, nền kinh tế Sudan gặp nhiều khó khăn đã khiến chính quyền Tổng thống Bashir không nhận được ủng hộ từ một bộ phận dân chúng, dẫn tới các cuộc biểu tình phản đối. Việc Nam Sudan tách ra thành quốc gia độc lập gây ảnh hưởng tới nền kinh tế Sudan vốn chịu áp lực từ lệnh trừng phạt của Mỹ.
Sau khi đảo chính lật đổ chính quyền Tổng thống Bashir, Tướng Awad Ibn Auf ngày 11/4 tuyên bố là người đứng đầu hội đồng quân sự lãnh đạo Sudan trong 2 năm.
Tuy nhiên nhiều người biểu tình phản đối cho rằng tuyên bố của quân đội không đáp ứng được yêu cầu của họ về một chính phủ dân sự chuyển tiếp.
Đến ngày 12/4, Tướng Awad Ibn Auf đột ngột tuyên bố trên truyền hình rằng ông sẽ từ bỏ vị trí đứng đầu hội đồng quân sự và chuyển cho Thiếu tướng Abdel Fattah Burhan tiếp quản. Phóng viên của Al-Jazeera cho biết diễn biến mới này phần nào làm "xuôi lòng" người biểu tình. Thiếu tướng Abdel Fattah Burhan đã từng gặp gỡ những người tham gia biểu tình và lắng nghe quan điểm của họ.
Cùng ngày 12/4, một tướng quân đội cấp cao Sudan cho biết sẽ không dẫn độ ông Bashir tới Tòa án Hình sự Quốc tế tại The Hague (Hà Lan).
Trước tình hình tại Sudan, nhiều quốc gia đã bày tỏ quan điểm. Bộ Ngoại giao Ai Cập ủng hộ việc phế truất Tổng thống Bashir và ủng hộ “sự lựa chọn” của người dân Sudan.
Mỹ trong khi đó kêu gọi quân đội Sudan hợp tác với người dân về chính phủ chuyển tiếp và đánh giá rằng quãng thời gian 2 năm do quân đội lãnh đạo là quá dài.
Liên minh châu Phi trong khi đó đã phản đối việc thành lập hội đồng quân sự tại Sudan đồng thời kêu gọi kiềm chế tại quốc gia này.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đề nghị quá trình chuyển tiếp tại Sudan đáp ứng được nguyện vọng dân chủ của người dân nơi đây.
Sau 7 năm trời quanh quẩn đại sứ quán Ecuador, cha đẻ WikiLeaks bị bắt
Chính phủ Ecuador dưới thời Tổng thống Rafael Correa trong năm 2012 đã cho phép ông Assange tị nạn trong Đại sứ quán ở London (Anh). Ông Rafael Correa khi đó coi công dân Australia Assange là “Robin Hood” thời đại công nghệ số vì chương trình nhắm đến lật tẩy các chính phủ và tập đoàn lớn.
Vào một ngày hè, ông Assange đã chuyển đến Đại sứ quán Ecuador, ban đầu được cho chỉ là tạm trú trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, công trình với diện tích khiêm tốn đã trở thành nơi ở trong 7 năm ròng của nhà sáng lập WikiLeaks.
Năm 2017, khi ông Lenin Moreno thắng cử chức Tổng thống Ecuador thì tình hình đã thay đổi với ông Assange. Tổng thống Moreno bất bình bởi ông Assange chế nhạo ứng cử viên thất bại trong cuộc bầu cử Ecuador vì nhân vật này đe dọa trục xuất ông khỏi đại sứ quán. Ngoài ra, Ecuador cáo buộc ông Assange làm rò rỉ thông tin về đời sống cá nhân Tổng thống Lenin Moreno. Bản thân Tổng thống Lenin Moreno cho rằng ông Assange đã vi phạm quy định về việc tị nạn.
AP dẫn lời quan chức tại Đại sứ quán Ecuador cho biết việc cho ông Assange trú ngụ và cấp dưỡng ông này tốn kém 1 triệu USD/năm. Vậy nhưng ông Assange có nhiều hành động gây bất bình đối với nhân viên Đại sứ quán Ecuador khi thường bật nhạc lớn tiếng, không giữ vệ sinh và dùng lời lẽ khiếm nhã.
Ngày 11/4, Đại sứ Ecuador yêu cầu ông Assange vào văn phòng sau đó đọc quyết định trục xuất. Cảnh sát Anh không trang bị vũ khí sau đó áp giải đưa ông Assange ra khỏi đại sứ quán (video dưới, nguồn: RT).
Ngày 13/4, Tổng biên tập của WikiLeaks - Kristinn Hrafnsson cho biết ông Julian Assange bị giam tại nhà tù Belmarsh ở Đông Nam London.
Bộ Tư pháp Mỹ sau diễn biến này ngay lập tức cáo buộc ông Assange cấu kết cùng cựu nhân viên tình báo quân đội Mỹ Chelsea Manning đột nhập máy tính của Lầu Năm Góc.
Luật sư về nhân quyền Shoib M Khan chia sẻ với Euronews rằng có khả năng ông Assange sẽ bị dẫn độ đến Mỹ nhưng quá trình này thường phải mấy nhiều tháng hoặc nhiều năm trời mới được hiện thực hóa.
Trong khi đó, các công tố viên Thụy Điển cũng chịu áp lực trong việc mở lại vụ kiện ông Assange xâm hại tình dục. Trong viễn cảnh này, cả Mỹ và Thụy Điển đều yêu cầu dẫn độ ông Assange và Anh sẽ phải ra quyết định.