Đảng Dân chủ chọn chiến thuật công kích ông Trump
Ngoài việc chính thức thông qua đề cử cho liên danh tranh cử giữa ông Joe Biden và bà Kamala Harris, đại hội đảng Dân chủ là cơ hội tốt để quảng bá trước cử tri về thông điệp chính sách của đảng, nâng tầm ảnh hưởng cho bộ đôi Biden-Kamala.
Phát biểu của các nhân vật được chọn lựa tại đại hội đều phản ánh đảng Dân chủ đang ở thời điểm đoàn kết, thống nhất hơn nhiều so với thời điểm 6 tháng trước đây. Gác lại những xu hướng, ưu tiên chính sách còn có khác biệt trong nội bộ, tập thể đảng Dân chủ đều thống nhất ở mục tiêu biến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 thành bài kiểm nghiệm năng lực lãnh đạo của đất nước của đối thủ Donald Trump.
Chỉ trích mạnh mẽ những sai lầm của ông Trump tại thời điểm nước Mỹ lún sâu vào khủng hoảng và vẽ ra một tương lai tươi sáng hơn dưới thời ông Joe Biden là điểm nhấn xuyên suốt trong các phát biểu tại đại hội. Ẩn sau đó là thông điệp: Cử tri bằng mọi giá phải ngăn chặn ông Trump, không để ông tiếp tục có một nhiệm kỳ cầm quyền tại Nhà Trắng.
Bài phát biểu tiếp nhận đề cử của ông Biden đã đặc tả rõ nhất thông điệp này. Trong bài diễn văn được đánh giá là quan trọng nhất trong sự nghiệp chính trị của mình, cựu Phó Tổng thống Mỹ công khai chỉ trích ông Trump là người phủ bóng đen lên nền dân chủ Mỹ quá lâu, đẩy nước Mỹ vào tình thế chia rẽ, quá nhiều tức giận, quá nhiều sợ hãi.
Ông khẳng định cuộc bầu cử tới đây không phải chỉ là giành phiếu bầu, mà còn là công cuộc giành lại trái tim và tâm hồn của người Mỹ và ông sẽ là người đem lại những điều tốt đẹp nhất cho nước Mỹ. Nước Mỹ dưới thời ông sẽ chọn hy vọng chứ không phải sợ hãi, chọn thực tại chứ không phải viển vông và hướng đến mục tiêu công bằng thay cho đặc quyền thiên vị.
Ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ đặc biệt chú trọng khai thác khủng hoảng nước Mỹ đang phải đối diện từ đại dịch COVID-19 để công kích đối thủ. Ông khẳng định với trên 170.000 người Mỹ thiệt mạng và trên 50 triệu người nộp đơn thất nghiệp, gần 10 triệu người đang và sẽ mất bảo hiểm y tế, nước Mỹ cho đến thời điểm này là quốc gia đối phó với dịch bệnh kém nhất trên thế giới.
Theo ông Biden, Tổng thống Trump phải chịu trách nhiệm về thực tế tồi tệ này, khi hệ quả dịch bệnh gây ra cho nước Mỹ là quá lớn, nhưng chính quyền đương nhiệm vẫn chưa có một kế hoạch đối phó cụ thể. Theo cựu Phó Tổng thống Mỹ, việc đầu tiên mà ông sẽ làm là bằng mọi cách kiểm soát được đại dịch, dựa trên một chiến lược tổng thể tầm quốc gia bởi chỉ có thể phục hồi kinh tế, đưa cuộc sống trở lại bình thường khi kiểm soát được COVID-19.
Đại hội đảng Dân chủ được dư luận, truyền thông Mỹ đánh giá tích cực, cả về thông điệp lẫn cách tiếp cận. Riêng với ông Biden, với dáng vẻ tự tin và không vấp lỗi nói lắp nào trong suốt bài diễn văn, cựu Phó Tổng thống Mỹ đã xóa tan nghi ngờ đối với biệt danh mà ông Trump đặt cho ông là “Joe buồn ngủ”. Đó cũng sẽ là thách thức với đảng Cộng hòa trong kỳ bầu cử sắp tới.
Belarus đối mặt với làn sóng biểu tình dân cao
Biểu tình tại Belarus phản đối kết quả bầu cử, đòi Tổng thống Alexander Lukashenko từ chức kéo sang tuần thứ hai, thu hút quan tâm, chú ý của dư luận, đẩy một số nước chính thức lên tiếng về nguy cơ khủng hoảng hiện nay ở quốc gia láng giềng với Nga này.
Đối đầu giữa lực lượng biểu tình với chính quyền chưa có dấu hiệu lắng dịu. Trong cuộc trả lời phỏng vấn đầu tiên theo hình thức độc quyền với kênh BBC kể từ khi tới sống lưu vong ở Litva, thủ lĩnh đối lập Svetlana Tikhanovskaya khẳng định người dân Belarus sẽ không bao giờ chấp nhận quyền lực lãnh đạo của ông Lukashenko. Bà hối thúc người biểu tình không dừng lại, phải chiến đấu cho tới những giây phút cuối cùng.
Về phần mình, giới chức Belarus tiếp tục gia tăng sức ép với lực lượng đối lập, với động thái mới nhất là bắt giữ một thủ lĩnh phát động công nhân biểu tình tại một nhà máy lớn. Văn phòng Tổng công tố Belarus thông báo mở cuộc điều tra hình sự đối với “Hội đồng điều phối hoạt động chuyển giao quyền lực” mới được lực lượng đối lập dựng lên.
Các điều tra viên hôm 21/8 đã triệu tập ba thủ lĩnh biểu tình để thẩm vấn về vai trò của họ trong hội đồng. Tổng thống Lukashenko coi đây là một "âm mưu tiếm quyền", coi đòi hỏi đòi chuyển giao quyền lực của phe đối lập là bất hợp pháp, cảnh báo sẽ có biện pháp ứng phó thích hợp trong khuôn khổ luật pháp nước này.
Liên minh châu Âu (EU) đã lên tiếng về diễn biến chính trị ở Belarus. Phát biểu trước báo giới sau cuộc hội đàm trực tuyến của các nhà lãnh đạo EU bàn về tình hình Belarus hôm 19/8, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết EU không chấp nhận kết quả bầu cử tổng thống tại Belarus và sẽ sớm áp đặt trừng phạt nhằm vào một số lượng lớn các cá nhân có liên quan đến hành vi bạo lực và gian lận bầu cử tại Belarus.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cũng đề cập đến vấn đề này và khẳng định EU sẵn sàng hậu thuẫn cho tiến trình chuyển giao quyền lực dân chủ trong hòa bình tại Belarus.
Về phần mình, Nga kêu gọi nước ngoài không can thiệp vào tình hình Belarus. Điện Kremlin ngày 19/8 khẳng định Belarus không cần sự hỗ trợ của Nga về mặt quân sự hay hình thức nào khác đối với tình hình bất ổn hiện nay.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cáo buộc các thế lực bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của Belarus, nhấn mạnh tình hình bất ổn tại Belarus là một vấn đề nội bộ nên cần được giải quyết bởi chính người Belarus.
Đến thời điểm này, các nỗ lực ngoại giao trung gian hòa giải chưa đem lại kết quả. Ngày 20/8, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nêu đề xuất để EU làm trung gian hòa giải và khẳng định đối thoại là điều hết sức cần thiết.
Tuy nhiên, ông Lukashenko ngay lập tức bác bỏ đề xuất này. Tổng thống Belarus ngày 21/8 khẳng định Pháp và EU nên tập trung giải quyết những vấn đề tồn tại của chính mình. Ông cáo buộc Mỹ là bên chủ mưu kích động làn sóng biểu tình gây bất ổn hiền nay ở Belarus, còn EU là “người đồng hành” cùng Mỹ.