Thế giới tuần qua: Dải Gaza tiếp tục đỏ lửa; WHO công bố nhiều tin 'nóng' về COVID-19

Trong tuần qua, giao tranh bùng phát dữ dội giữa Israel và phong trào Hamas tại Dải Gaza cùng những thông báo đáng chú ý về dịch COVID-19 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) được truyền thông thế giới đưa tin mạnh.

Bạo lực nhấn chìm Dải Gaza

Chú thích ảnh
Binh sĩ Israel nhắm hỏa lực tấn công nhằm vào Dải Gaza ngày 15/5. Ảnh: AP

Khu vực Gaza lại gầm vang tiếng đạn pháo khi giao tranh bùng phát giữa Israel và phong trào Hamas trong tuần qua. Đây là cuộc xung đột lớn thứ 4 giữa Israel và phong trào Hamas kể từ năm 2008 tại dải đất nhỏ Gaza với hơn 2 triệu người Palestine.

Ngay sáng 15/5, Israel đã không kích Dải Gaza trong khi phiến quân Hamas cũng đáp trả bằng rocket. Như vậy, màn đáp trả giữa hai bên đã bước vào đêm thứ 5 liên tiếp trong khi Mỹ cũng các quốc gia Arab đang tìm hướng chấm dứt bạo lực.

Theo hãng thông tấn AP (Mỹ) tính từ 10/5, đã có 132 người tử vong tại Dải Gaza, trong đó có 32 trẻ em và 21 phụ nữ, cùng 90 người khác bị thương. Phía Israel ghi nhận 8 người tử vong gồm binh sĩ và người dân thường. Người dân sống tại miền Trung và Nam Israel nay đã quen với tiếng báo động, đường truyền tivi cùng radio bị ảnh hưởng cũng như tư thế sẵn sàng vào hầm trú ẩn.

Bất đồng xuất phát từ cách đây một tháng, chính phủ Israel đã cản trở một số cuộc tụ tập của người Palestine tại Jerusalem vào giai đoạn đầu lễ Ramadan. Căng thẳng tiếp tục xảy ra liên quan đến kế hoạch đưa hàng chục gia đình Palestine ra khỏi khu dân cư Sheikh Jarrah ở Đông Jerusalem.

Vào ngày 10/5, Israel tổ chức kỷ niệm Ngày Jerusalem để chào mừng việc sáp nhập thành phố này. Và xung đột đã xảy ra giữa cảnh sát Israel cùng người biểu tình Palestine. Ngày 11/5, phong trào Hamas từ Dải Gaza bắn tên lửa nhằm vào Israel. Ngay ngày hôm sau 12/5, Israel đã không kích nhằm vào nhiều mục tiêu tại Dải Gaza.

Dưới đây là video tòa nhà tại Dải Gaza bị hủy hoại do Israel không kích ngày 14/5 (nguồn: RT):

Trong một thế kỷ qua, Jerusalem là nơi chứng kiến chạm trán giữa người Do Thái và Arab. Israel tự coi Jerusalem là thủ đô và kiểm soát phía Đông của thành phố này cũng như Bờ Tây và Dải Gaza sau cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967. Ở thời điểm đó, cộng đồng quốc tế đã không công nhận hành động của Israel. Còn người Palestine vẫn mong muốn những khu vực này sẽ thuộc về nhà nước tương lai của họ, với Đông Jerusalem là thủ đô.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào ngày 16/5 dự kiến tổ chức phiên họp để thảo luận về tình hình tại Dải Gaza. Hiện tại Ai Cập đang dẫn đầu nỗ lực đảm bảo ngừng bắn giữa Israel và phong trào Hamas. Từ tối 14/5, Ai Cập đã thúc đẩy các bên ngừng bắn để tiến tới đàm phán. Một quan chức Palestine chia sẻ: “Thảo luận diễn ra thực tế và nghiêm túc trong ngày 14/5. Nhà đàm phán Ai Cập, Qatar và Liên hợp quốc đã đẩy mạnh liên hệ với các bên để khôi phục hòa bình nhưng vẫn chưa thể đạt được thỏa thuận”.

WHO công bố nhiều tin nóng

Chú thích ảnh
Người thân của nạn nhân thiệt mạng vì COVID-19 đau buồn tại cơ sở hỏa táng ở Bengaluru (Ấn Độ) ngày 13/5. Ảnh: Reuters

Trong tuần qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã có nhiều thông báo đáng quan tâm liên quan đến đại dịch COVID-19.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 14/5 đã khuyến khích các quốc gia phát triển quyên góp vaccine COVID-19 cho chương trình COVAX. Liên minh Toàn cầu về Vaccine và Tiêm chủng (GAVI) cùng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cùng sáng lập COVAX, chương trình đảm bảo phân phối vaccine phòng COVID-19 toàn cầu.

WHO cũng đề nghị các quốc gia phát triển cân nhắc lại kế hoạch tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em và thay vào đó quyên góp vaccine cho những nước nghèo hơn đang chật vật để có đủ liều tiêm cho nhân viên y tế và nhóm có nhiều rủi ro. Bên cạnh đó, WHO cũng cảnh báo rằng năm thứ hai của đại dịch COVID-19 dự kiến sẽ dẫn đến nhiều cái chết hơn.

Hãng thông tấn AFP (Pháp) đưa tin gần 1,4 tỷ liều vaccine COVID-19 đã được tiêm tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới với 44% trong đó phân phối tại các quốc gia thu nhập cao vốn chỉ chiếm 16% dân số toàn cầu. Chỉ 0,3% số vaccine này phân phối đến 29 quốc gia thu nhập thấp nơi có 9% dân số thế giới.

Trong một diễn biến liên quan, WHO vào ngày 11/5 thông báo biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Ấn Độ, hay còn gọi là B.1.617, được phân coi là "biến thể đáng quan ngại" cấp độ toàn cầu.

Tính đến 15/5, tại Ấn Độ có trên 24.3 triệu người mắc COVID-19. Trong khi đó, biến thể B.1.617 đã được phát hiện tại 44 quốc gia khác.

Làn sóng dịch COVID-19 thứ hai bắt đầu từ tháng 2 tại Ấn Độ đã gây sức ép lên hệ thống y tế nước này trong khi chương trình tiêm vaccine lại chưa thể tăng tốc. Ấn Độ là nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới nhưng đang đứng trước tình trạng cung không đủ cầu quá lớn. Tính đến 13/5, nước này đã tiêm vaccine cho 38,2 triệu dân, khoảng 2,8% dân số 1,35 tỷ người.

Dịch COVID-19 kể từ khi xuất hiện lần đầu tại Trung Quốc vào tháng 12/2019 đã khiến trên 3,3 triệu người thiệt mạng trên toàn cầu.

Hà Linh/Báo Tin tức
Mạng lưới đường hầm phong trào Hamas dựng để qua mặt Israel
Mạng lưới đường hầm phong trào Hamas dựng để qua mặt Israel

Israel khẳng định vụ đánh bom tối 13/5 đã xóa sổ được nhiều đường hầm do phong trào Hamas đào tại Dải Gaza.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN