COVID-19 tiếp tục hoành hành
Chủng mởi của virus Corona (SARS-CoV-2) vẫn lây lan mạnh trong tuần qua. Ngày 29/2, có thêm 6 quốc gia từ 4 lục địa ghi nhận ca nhiễm đầu tiên. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nâng cảnh báo tác động rủi ro lên mức "rất cao".
Chứng khoán ở nhiều nơi trên thế giới đã giảm ở mức lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Nguồn sản xuất và cung ứng sản phẩm bị gián đoạn, hàng không và du lịch đìu hiu, còn nhiều sự kiện quy mô lớn bị hủy.
Hãng thông tấn Reuters (Anh) ngày 28/2 dẫn thống kê mới nhất của WHO cho biết trên 82.000 người đã nhiễm COVID-19, trên 2.700 người thiệt mạng ở Trung Quốc và 57 trường hợp tử vong tại 46 quốc gia khác.
Mexico, Nigeria, New Zealand, Lithuania, Belarus và Azerbaijan đều ghi nhận ca nhiễm đầu tiên với người nhiễm từng đi đến những vùng dịch ở Italy và Iran. Đã có nhiều trường hợp bệnh nhân xuất viện tại Trung Quốc và nơi khác tái nhiễm COVID-19 sau vài tuần.
Ngoài việc đầu tư thêm vào thiết bị y tế, chính phủ một số quốc gia đã yêu cầu đóng cửa trường học và hủy các sự kiện tập trung đông người. Thụy Sĩ đã ngừng tổ chức triển lãm ô tô quốc tế Geneva, một trong những sự kiện công nghiệp quan trọng nhất của nước này.
Hiện tại Hàn Quốc là nước có số ca nhiễm COVID-19 nhiều chỉ sau Trung Quốc. Tính đến 4 giờ chiều 29/2 (giờ địa phương), con số là 3.150 trường hợp. Ngoài ra, Italy và Iran tiếp tục là những điểm bùng phát dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất ngoài Trung Quốc.
Dưới đây là video đường phố tại Deagu - tâm điểm dịch ở Hàn Quốc không một bóng người (nguồn: RT):
Italy là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của COVID-19 tại châu Âu với 21 người tử vong và 900 trường hợp dương tính. Nhiều quán cà phê và trường học đã đóng cửa trong khi cuộc sống thường ngày của nhiều người dân Italy bị đảo lộn.
Còn tại Iran, đã có 34 trường hợp tử vong vì COVID-19. Một đội ngũ của WHO dự kiến đến Iran trong ngày 1/3 hoặc 2/3. Tiến sĩ Mike Ryan – Giám đốc chương trình khẩn cấp y tế của WHO - nhận định rằng tình trạng tại Iran còn có thể tồi tệ hơn.
Nhật Bản dự kiến tổ chức Olympic Mùa hè trong tháng 7 tới nhưng Tiến sĩ Ryan cho rằng cần phải bàn bạc thêm. Ban tổ chức trong tháng 3 sẽ quyết định về lễ rước đuốc Olympic - lễ có thời gian tổ chức từ 20/3 trong 121 ngày.
Chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Trump
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kết thúc chuyến thăm Ấn Độ trong ngày 25/2 và chưa đạt được đột phá trong thương mại hoặc an ninh. Kênh CNN (Mỹ) cho biết bất đồng về thuế và thâm hụt ngân sách giữa Tổng thống Trump và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ không thể giải quyết trong ngắn hạn.
Chuyến thăm trong 36 tiếng của Tổng thống Trump đã để lại rất nhiều bức ảnh đẹp, đó là đám đông 100.000 người Ấn Độ chào mừng nhà lãnh đạo tại sân vận động, cảnh tượng yên bình ở Đền Taj Mahal…
Tổng thống Trump và Thủ tướng Modi đã tuyên bố thỏa thuận về quốc phòng và an ninh, trong đó có hợp đồng 3 tỷ USD mua trực thăng và thiết bị quân sự Mỹ.
Cả Tổng thống Trump và Thủ tướng Modi đều thừa nhận hai bên chưa thể đặt bút ký một thỏa thuận thương mại nhưng đàm phán sẽ được duy trì. Hai nhà lãnh đạo cũng công bố hợp tác trong chiến đấu chống khủng bố cực đoan đạo Hồi và gắn kết hơn về năng lượng đồng thời hợp tác để công nghệ mạng không dây 5G thêm an toàn.