Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại một sự kiện ở Nhà Trắng ngày 24/3/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Theo kế hoạch, ông Trump sẽ công bố các mức "thuế quan đối ứng" cụ thể và khả năng nhắm mục tiêu vào các ngành kinh tế vào ngày 2/4 (giờ địa phương).
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cho biết mục tiêu là công bố "thuế quan theo quốc gia" nhưng ông Trump vẫn cam kết áp thuế riêng theo từng ngành. Bà Leavitt khẳng định bất kỳ quốc gia nào đối xử "không công bằng" với Mỹ sẽ phải chịu thuế đáp trả.
Ngoài áp thuế quan theo quốc gia, Tổng thống Trump có thể áp thêm thuế theo ngành, như dược phẩm và bán dẫn. Thuế đối với ô tô đã được công bố và sẽ có hiệu lực vào ngày 3/4 (giờ địa phương).
Tuy nhiên, giới phê bình cảnh báo chiến lược này có nguy cơ gây ra chiến tranh thương mại toàn cầu, dẫn đến những hành động đáp trả từ các đối tác lớn như Trung Quốc, Canada và Liên minh châu Âu (EU).
Lo ngại gia tăng sau khi ông Trump tuyên bố thuế quan sẽ áp dụng cho "tất cả các quốc gia". Ông vẫn chỉ nói chung chung rằng thuế quan của ông sẽ "hào phóng hơn nhiều" so với mức thuế mà các nước khác áp lên hàng hóa Mỹ. Tuy nhiên, tờ Wall Street Journal đưa tin các cố vấn đã cân nhắc áp thuế toàn cầu lên đến 20%, ảnh hưởng đến hầu hết những đối tác thương mại của Mỹ.
Trong bối cảnh nhiều biến động, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đã đạt thỏa thuận tăng cường thương mại tự do để ứng phó với động thái thuế quan của ông Trump. Trước đó, Trung Quốc và Canada cũng đã áp thuế đáp trả lên hàng hóa Mỹ, trong khi EU công bố các biện pháp tương tự dự kiến vào giữa tháng 4. Những biện pháp đối phó khác có thể được đưa ra sau ngày 2/4.
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nhận định thuế quan của Tổng thống Trump gây nhiều lo lắng, nhưng tác động đối với kinh tế toàn cầu có thể không quá lớn.
Chuyên gia Ryan Sweet của công ty tư vấn Oxford Economics khuyến nghị các nước nên "dự kiến cho những điều bất ngờ" và dự đoán Tổng thống Trump sẽ nhắm vào "những đối tượng vi phạm lớn nhất". Điều quan trọng hiện giờ là phạm vi thuế quan và xác định liệu đây chỉ là chiến thuật đàm phán hay sự thay đổi chính sách quy mô lớn của chính quyền Tổng thống Trump.
Giới chuyên gia kinh tế dự đoán đợt thuế mới có thể nhắm vào 15% số đối tác có thặng dư thương mại lớn với Mỹ.
Mỹ ghi nhận thâm hụt thương mại lớn nhất với Trung Quốc, EU, Mexico, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada và Ấn Độ.
Các đối tác của Mỹ đang cố gắng giảm thiểu rủi ro. Một số thông tin gần đây cho thấy Ấn Độ có thể giảm một số thuế quan.
Trong khi đó, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde kêu gọi khu vực này hướng tới sự độc lập kinh tế và gọi đây là "thời khắc sinh tử".
Thông báo từ văn phòng Thủ tướng Anh hôm 30/3 cho hay Thủ tướng Keir Starmer đã thảo luận với ông Trump về “các cuộc đàm phán hiệu quả" hướng tới thỏa thuận thương mại Anh - Mỹ. Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố EU sẽ đáp trả mạnh mẽ thuế quan của Tổng thống Mỹ, nhưng khối này cũng sẵn sàng thỏa hiệp.
Bà Greta Peisch, đối tác của công ty luật Wiley Rein, cho rằng việc Mỹ giảm hoặc tạm dừng thuế quan là "hoàn toàn có thể". Hồi tháng 2, Mỹ đã tạm dừng áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada để thúc đẩy đàm phán. Bà Peisch cho rằng có nhiều kịch bản có thể xảy ra tiếp theo: trì hoãn để đàm phán, giảm thuế, hoặc áp thuế ngay lập tức.