Quang cảnh cảng container ở thị trấn Felixstowe, Suffolk, Anh. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Tuy nhiên, người phát ngôn cũng cho biết các cuộc đàm phán giữa Anh và Mỹ về một thỏa thuận kinh tế mới nhằm ngăn chặn việc áp thuế dự kiến vẫn sẽ tiếp tục sau ngày 2/4 - thời điểm Tổng thống Trump dự kiến công bố mức thuế quan đối ứng trên toàn cầu. Cách đây chưa đến 1 tuần, Tổng thống Trump cũng đã tuyên bố sẽ áp thuế quan lên ô tô linh kiện nhập khẩu có hiệu lực từ ngày 3/4 tới.
Tổng thống Trump dự kiến công bố các mức thuế đối ứng mới vào ngày 2/4, thời điểm mà ông gọi là "ngày giải phóng", sau khi tuyên bố áp thuế đối với nhôm, thép, ô tô toàn cầu và tăng thuế đối với tất cả hàng hóa từ Trung Quốc. Động thái trên của ông Trump dường như nhằm mục đích thu hẹp mức thâm hụt thương mại hàng hóa toàn cầu 1.200 tỷ USD bằng cách tăng mức thuế nhập khẩu của Mỹ lên ngang với các mức thuế của các nước khác, đồng thời đối phó với các rào cản thương mại phi thuế quan của các quốc gia này.
Thủ tướng Anh Starmer đã có một cuộc điện đàm mà chính quyền London đánh giá là hiệu quả với Tổng thống Trump vào ngày 30/3 khi nhà lãnh đạo Anh tìm cách tránh né các mức thuế này. Mặc dù các bộ trưởng Anh cho biết không loại trừ bất kỳ khả năng đưa ra các lựa chọn để đối phó với các mức thuế từ chính quyền Mỹ. Nhưng, các quan chức này cũng đã hạ thấp khả năng phía Anh ngay lập tức trả đũa Mỹ khi lập luận rằng một cuộc chiến thương mại sẽ gây hại cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách (OBR) của Anh vào tuần trước cho biết một mức thuế nhập khẩu cao hơn từ Mỹ sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của nền kinh tế và gần như xóa sạch toàn bộ khoản dự phòng tài chính của chính phủ nước này. OBR cũng cho biết các mức thuế của Mỹ đối với các đối tác thương mại nói chung có thể làm giảm quy mô nền kinh tế Anh tới 1%. Trước đó, nhiều nhà phân tích nhận định rằng nền kinh tế Anh vốn rất dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động trong thương mại quốc tế trên toàn cầu.
Theo Bloomberg, vào giữa tháng này, chính phủ Anh tiếp tục tái khẳng định cam kết duy trì các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ, trong bối cảnh hàng xuất khẩu của nước này vẫn chịu ảnh hưởng không nhỏ từ mức thuế quan bổ sung lên sản phẩm thép và nhôm toàn cầu do Tổng thống Donald Trump áp đặt.
Khi đó, Bộ trưởng Kinh doanh và Thương mại Anh Jonathan Reynolds đã bày tỏ "sự thất vọng" trước quyết định của chính quyền Mỹ khi áp thuế 25% đối với các sản phẩm kim loại nhập khẩu nhưng lại không đưa ra bất kỳ ngoại lệ nào. Trong tuyên bố vào sáng 12/3, ông nhấn mạnh: "Chúng tôi tập trung vào cách tiếp cận thực dụng và đang nhanh chóng đàm phán một thỏa thuận kinh tế rộng hơn với Mỹ để loại bỏ các mức thuế quan bổ sung và mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp Anh cũng như nền kinh tế của chúng tôi".
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Anh James Murray khẳng định nước này sẽ không ngay lập tức có động thái trả đũa. Trả lời phỏng vấn của Times Radio, ông nói: "Chúng tôi sẽ không trả đũa ngay lập tức theo cách đó", những cũng đồng thời nhấn mạnh Anh vẫn "bảo lưu quyền trả đũa" vào thời điểm thích hợp.
Trước đó nữa, chính phủ Anh cũng đã tuyên bố không mong muốn áp đặt thuế quan trả đũa và kỳ vọng vào các cuộc đàm phán thương mại do Tổng thống Mỹ Trump và Thủ tướng Anh Keir Starmer khởi động vào tháng trước tại Washington. Đây được xem là những nỗ lực của Anh nhằm tránh chịu tác động lớn hơn từ chính sách thuế quan mới của Mỹ. Vào tháng 2, chuyến thăm Nhà Trắng của Thủ tướng Starmer dường như đã mang lại những lợi thế nhất định cho Anh, khi mà hai nhà lãnh đạo đã nhất trí đàm phán một "thỏa thuận kinh tế mới", trong đó công nghệ tiên tiến đóng vai trò cốt lõi.
Trong khi đó, nhiều quốc gia trên toàn cầu đã có phản ứng khá mạnh mẽ trước những tuyên bố áp thuế quan của Tổng thống Mỹ Trump, mà gần đây nhất là với ô tô nhập khẩu.
Thủ tướng Canada Mark Carney đã lên án thuế quan của Mỹ là "cuộc tấn công trực tiếp" vào người lao động Canada và cam kết hành động vì lợi ích cộng đồng. Ông dự kiến sẽ điện đàm với Tổng thống Trump để thảo luận tranh chấp thương mại trong một vài ngày tới. Trước đó, ông Carney đã triệu tập Ủy ban Nội các về quan hệ Canada - Mỹ nhằm tìm giải pháp đối phó. Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Canada cũng kêu gọi chính phủ áp thuế trả đũa ngay lập tức đối với Mỹ.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng quyết định trên là sai lầm, cảnh báo thuế quan sẽ làm tổn hại đến nền kinh tế và sự thịnh vượng chung. Giới chức Đức tuyên bố Berlin và Liên minh châu Âu (EU) sẽ bảo vệ thương mại tự do, đồng thời xem xét các biện pháp đáp trả phù hợp.
Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum cho rằng mức thuế này vi phạm Hiệp định thương mại tự do Mỹ - Mexico - Canada (USMCA). Bà nhấn mạnh rằng nếu Mỹ tiếp tục duy trì thuế cao, Mexico phải có biện pháp “ưu đãi” để bảo vệ nền kinh tế. Mexico dự kiến sẽ đưa ra "phản ứng toàn diện" vào đầu tháng 4, khi ông Trump cam kết sẽ áp dụng mức thuế quan đối ứng phù hợp với từng đối tác thương mại của Mỹ, nhưng vẫn để ngỏ khả năng đàm phán với Washington. Bộ trưởng Kinh tế Mexico Marcelo Ebrard cho biết Nhà Trắng đã cam kết các sản phẩm ôtô có linh kiện sản xuất tại Mỹ sẽ được hưởng mức thuế thấp hơn và không bị đánh thuế nhiều lần khi qua biên giới.