Klaudia Fischer có cảm giác như phải làm việc trong một thế giới đầy nghịch cảnh: Là nhân viên của một siêu thị ở Béclin (Đức), Klaudia từng nghĩ siêu thị là nơi bán hàng, nhưng trên thực tế phần lớn thời gian làm việc của mình, cô không bán mà vứt hàng. Klaudi thu gom các loại sản phẩm sữa trước khi hết hạn sử dụng hai ngày để vứt bỏ. Còn những loại rau xanh như hành, xà lách, củ cải thì chỉ sau một ngày có mặt trên kệ bán hàng đã bị thu dọn để thải loại, mặc dù chúng hoàn toàn còn sử dụng được!
Tình huống bi thảm
Bản báo cáo mới công bố hôm 9/1 của Viện Kỹ sư Cơ khí Anh (ImechE) đã đưa ra một thống kê “giật mình”: Khoảng 30 - 50% thực phẩm được sản xuất ra trên khắp thế giới mỗi năm, tương đương 1,2 - 2 tỉ tấn, đã không bao giờ đến được bát ăn, mà kết thúc vòng đời trong các thùng rác. Đây được xem là một “tình huống bi thảm” khi hàng triệu người vẫn đang là nạn nhân của nạn đói, trong lúc “bà mẹ” Trái Đất dần cạn kiệt các nguồn tài nguyên.
Hơn 1 tỉ tấn thực phẩm bị lãng phí mỗi năm là một sự thật phi lý…Ảnh: Internet |
... trong khi còn gần 1 tỉ người trên Trái Đất đang thiếu ăn. Ảnh: Internet |
Không phải đến báo cáo của ImechE, trước đó, nhiều tổ chức khác cũng đã cảnh báo thực trạng lương thực, thực phẩm bị lãng phí vô tội vạ ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là tại các nước phát triển. Theo Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), mỗi năm, khoảng một phần ba lượng lương thực, thực phẩm bị vứt bỏ, tương đương 1,3 tỷ tấn. Tại Bắc Mỹ và châu Âu, lượng thực phẩm được sản xuất ra bị vứt bỏ thậm chí chiếm tới một nửa và phần lớn bị loại bỏ trên đường từ cánh đồng đến cửa hàng trước khi lên bàn ăn. Một thống kê cho thấy, lượng thực phẩm do người tiêu dùng ở các nước giàu bỏ phí lên đến 222 triệu tấn/năm, gần bằng toàn bộ lượng thực phẩm của tiểu vùng Sahara ở châu Phi (230 triệu tấn).
Ở Đức, cứ hai cây xà lách - hai củ khoai tây thì có một cây - củ bị vứt bỏ, tỷ lệ này với bánh mì là 1/5. Thậm chí, có lò bánh mì dùng bánh cũ kết hợp với than, củi làm chất đốt. Bình quân mỗi người tiêu dùng Đức vứt bỏ khoảng 100 kg lương thực, thực phẩm trong một năm và hằng năm bình quân mỗi hộ gia đình vứt bỏ lượng thức ăn trị giá 400 euro. Lượng lương thực, thực phẩm bị vứt bỏ hàng năm khoảng từ 10 đến 20 triệu tấn, đủ để xếp lên 500.000 chuyến xe tải.
Tại Anh, hằng năm, khoảng 7 triệu tấn thực phẩm, trị giá trên 10 tỉ bảng, bị vứt bỏ và gây tốn kém cho mỗi hộ gia đình Anh trung bình 480 bảng/năm. Trong số thực phẩm bị vứt bỏ, một lượng trị giá 1 tỉ bảng vẫn chưa hết hạn sử dụng và có thể được sử dụng tốt. Nếu lượng thực phẩm này không bị lãng phí, thì phần năng lượng tiết kiệm được qua các khâu sản xuất, đóng gói và vận chuyển, sẽ tương đương với việc loại bỏ được 20% xe cộ ra khỏi các đường sá ở Anh.
Còn tại Mỹ, theo báo cáo của Ủy ban bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên, mỗi năm, nước này vứt bỏ gần một nửa lượng thực phẩm sản xuất ra, trị giá khoảng 165 tỉ USD. Thực phẩm bị lãng phí gây tốn kém của mỗi hộ gia đình Mỹ trung bình 2.275 USD/năm, và hằng năm, nếu chỉ cần giảm được 15% khối lượng đó thì cũng đủ để nuôi sống 25 triệu người dân.
Đây là một sự thực phi lý đến đau lòng khi nó diễn ra trong bối cảnh dân số thế giới không ngừng tăng và được dự báo sẽ lên tới 9,3 tỉ người vào năm 2050, thậm chí 14,2 tỉ người vào năm 2075, tức Trái Đất sẽ phải nuôi thêm 3 -7 tỉ miệng ăn nữa so với hiện tại. Thức ăn ngày càng khan hiếm, đắt đỏ và khoảng một tỷ người đang phải sống trong tình trạng thiếu dinh dưỡng, vì thế lãng phí lương thực thực phẩm thực sự là một tội ác.
Thực phẩm đi đâu?
Từ năm 2009, EU đã phải hủy tiêu chuẩn tiếp thị đối với 26 loại rau, củ, quả. Giờ đây, củ cải đỏ có hai rễ, dưa chuột cong và cà rốt chẽ đuôi vẫn được chấp nhận. Tuy nhiên đó chỉ là quy định của nhà quản lý còn các siêu thị cũng như các nhà chế biến thực phẩm thì vẫn giữ các quy định khắt khe của riêng họ.
Khoảng một nửa số khoai tây ở Đức bị loại bỏ ngay trên đồng ruộng chỉ vì củ quá lớn, quá bé hoặc vì bất cứ lý do gì khiến chúng không đáp ứng được tiêu chuẩn của các nhà thu mua. Tình hình tương tự cũng diễn ra tại Anh, khi có tới 30% lượng rau củ quả trồng ở nước này không bao giờ được sử dụng, đa số bị bỏ lại trên đồng ruộng hoặc bị các siêu thị từ chối chỉ vì không đảm bảo yếu tố hình thức.
Những quy định về tiêu chuẩn của thực phẩm, vốn không liên quan gì đến chất lượng, ở các nước giàu đang ảnh hưởng tới cả thế giới. Người nông dân Camơrun làm việc ở đồn điền chuối phải loại bỏ nhiều nải chuối chỉ vì không đạt tiêu chuẩn của khách hàng châu Âu. Một chủ đồn điền than phiền: "Các siêu thị và các nhà nhập khẩu ở châu Âu ngày càng đề ra nhiều tiêu chuẩn hơn, như độ lớn, độ dài quả, thậm chí cả số lượng quả trên một nải chuối". Vì những đòi hỏi khắt khe này mà khoảng 8% sản phẩm đã bị hủy bỏ ngay sau khi thu hoạch, một lượng sản phẩm không nhỏ bị hư hỏng và phải thải loại trong quá trình vận chuyển.
Sự lãng phí “điên rồ” còn tiếp diễn khi sản phẩm đến tay nhà buôn, tới các siêu thị, nhà hàng và người tiêu dùng. Thực phẩm không đảm bảo hình thức hoặc gần hết hạn nhưng vẫn còn sử dụng tốt bị loại bỏ không thương tiếc. Các nhà nghiên cứu về thực phẩm cho rằng, những quy định máy móc về thời hạn trên nhãn mác thực phẩm là một nguyên nhân lớn dẫn đến tình trạng lãng phí này. Theo họ, không phải tất cả những gì ghi trên nhãn mác thực phẩm đều thực sự bắt buộc. Thí dụ thời hạn sử dụng ghi trên nhãn thực phẩm nhiều khi gây ngộ nhận và từ đó làm cho nhiều loại thức ăn bị vứt bỏ oan uổng khi vẫn trong tình trạng chất lượng tốt. Bởi vì thời hạn sử dụng ghi trên nhãn mác, thường gắn với chữ “best before” (sử dụng tốt nhất trước ngày…) không có nghĩa khi hết thời hạn đó thực phẩm bị hư hỏng không thể sử dụng được mà chỉ là sự bảo đảm của nhà sản xuất rằng sản phẩm của họ vẫn giữ được nguyên vẹn chất lượng cho đến thời hạn đó.
Vấn đề hạn sử dụng ngày nay đã ám ảnh tâm lý của người mua hàng đến mức, tập đoàn siêu thị Jumbo của Hà Lan đã đề ra giải pháp: khách hàng nào phát hiện được những sản phẩm mà hạn sử dụng chỉ còn hai ngày còn bày trên giá thì sẽ được biếu không sản phẩm đó. Sáng kiến này nhằm làm cho khách hàng không chăm chăm tìm những sản phẩm còn hạn sử dụng dài mà lại chú ý vào những sản phẩm sắp hết hạn sử dụng, nhờ đó giảm hẳn số hàng hóa bị loại bỏ vì “quá date”.
Tại các nước phát triển, hiện tượng lãng phí cũng xảy ra do cung vượt quá cầu. Nông dân những nước này thường sản xuất nhiều hơn lượng hàng hóa cần thiết để phòng tình trạng thiếu hụt nguồn cung do thời tiết xấu, vận chuyển khó khăn... Trong khi đó, tại các nước đang phát triển, lãng phí thực phẩm chủ yếu xuất phát từ tình trạng hạ tầng yếu kém. Đường sá không tiện lợi, các cơ sở chế biến và đóng gói thực phẩm, các kho chứa... không đủ năng lực bảo quản hàng hóa tươi ngon lâu, đã khiến một phần lớn thực phẩm bị loại bỏ trên đường từ cánh đồng đến siêu thị.
“Không lãng phí, không túng thiếu”
Đó là lời kêu gọi trong bản báo cáo có tên “Global Food: Waste Not, Want Not” mà ImechE mới công bố. Giám đốc phụ trách năng lượng và môi trường của IMechE, Tim Fox, cho rằng: “Lượng thực phẩm khổng lồ bị vứt bỏ có thể nuôi sống dân số đang phình ra của thế giới cũng như những người còn bị đói hiện tại”. Những tính toán của FAO cho thấy, gần một tỉ người đang đói trên thế giới có thể thoát khỏi tình trạng suy dinh dưỡng chỉ cần nhờ vào 1/4 lượng thực phẩm đang bị lãng phí ở Mỹ và châu Âu.
Ngừng lãng phí thực phẩm còn là giải pháp cứu Trái Đất đang quá tải do nông nghiệp và chăn nuôi là ngành tiêu tốn nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên như đất, nước và năng lượng. Lượng nước tưới tiêu dùng cho số thực phẩm bị lãng phí đủ để dùng cho sinh hoạt cá nhân của 9 tỉ người, với khoảng 200 lít/người/ngày. Ngoài ra, 10% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tại các nước giàu là xuất phát từ hoạt động sản xuất lượng thực phẩm mà con người không bao giờ dùng đến.
Trước những dự đoán của Liên hợp quốc về việc đến giữa thế kỷ này, thế giới sẽ phải nuôi thêm 3 tỉ miệng ăn và đứng trước áp lực ngày càng nặng nề về các nguồn lực cần thiết để sản xuất lương thực, thực phẩm như đất, nước, năng lượng..., IMechE đã kêu gọi những hoạt động cấp thiết nhằm giải quyết tình trạng lãng phí nói trên. Theo họ, các chính phủ, các tổ chức và cơ quan phát triển quốc tế như Liên hợp quốc cần “hợp tác để thay đổi quan niệm của con người về vấn đề tiết kiệm, cũng như thay đổi các thói quen lãng phí của nông dân, nhà sản xuất thực phẩm, các siêu thị và người tiêu dùng”.
Thu Hằng