Thế giới ghi nhận 48,6 triệu ca mắc, 1,23 triệu ca tử vong do COVID-19

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 5/11 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 48.620.933 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.233.628 ca tử vong. Số ca được điều trị khỏi bệnh là 34.819.608 người.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại bang Florida, Mỹ ngày 24/6/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 239.873 ca tử vong trong tổng số 9.805.121 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 124.529 ca tử vong trong số 8.378.670 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 161.170 ca tử vong trong số 5.590.941 bệnh nhân.

Nhiều nước châu Âu ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày ở mức cao chưa từng thấy. Bộ Y tế CH Séc cho biết có 15.729 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, theo đó, tổng số ca mắc tại Séc đã tăng lên 378.716 ca. Với 10,7 triệu dân, Séc hiện là nước có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất trong làn sóng dịch bệnh thứ hai ở châu Âu này. Theo bộ trên, tổng số ca tử vong tại Séc cũng tăng lên 4.133 ca sau khi có thêm hàng trăm ca tử vong mới.

Bộ Y tế Ukraine thông báo nước này ghi nhận 9.850 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua, tăng từ mức 9.524 ca thông báo một ngày trước đó. Tổng số bệnh nhân COVID-19 tại quốc gia Đông Âu này hiện là 430.467 người, trong đó 7.924 người đã tử vong. Tương tự, Bộ Y tế Bulgaria cho biết nước này ghi nhận 4.054 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm trên cả nước lên 64.591 ca. Trong khi đó, tổng số ca tử vong tại Bulgaria cũng tăng lên 1.466 ca, sau khi có thêm 54 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Theo bộ trên, số người hồi phục hiện là 21.947 người. Ba Lan ghi nhận 27.143 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua.  

Thống kê của Cơ quan y tế Thụy Điển cho thấy nước này đã xác nhận thêm 4.034 ca mắc, theo đó, nâng tổng số ca mắc tại quốc gia Bắc Âu này tăng lên 141.764 ca. Cũng trong 24 giờ qua, Thụy Điển có thêm 5 ca tử vong, nâng tổng số ca không qua khỏi tại nước này lên 6.002 ca.

Số ca mắc tại Thụy Sĩ đã vượt 200.000 ca trong 24 giờ qua. Cụ thể, giới chức y tế Thụy Sĩ cho biết đã ghi nhận thêm 10.128 ca, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 202.504 ca. Số ca tử vong tại quốc gia Tây Âu tăng thêm 62 ca lên 2.337 ca.

Trước làn sóng thứ hai của đại dịch, các chính phủ ở châu Âu đang “gồng mình” chống lại đại dịch. Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo lệnh phong tỏa toàn khu vực England khi số ca tử vong theo ngày do COVID-19 tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 5, đồng thời cảnh báo các bệnh viện sớm có nguy cơ quá tải. Tương tự, các nước Pháp, Đức và Italy cũng thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh.  

Na Uy cũng áp đặt các hạn chế mới nhằm hạn chế sự lây lan dịch COVID-19. Thủ tướng nước này, Erna Solberg kêu gọi người dân tránh đi lại trong nước và thay vào đó ở nhà càng nhiều càng tốt như một phần của loạt các khuyến cáo và hạn chế mới nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Số ca nhiễm tăng tại nhiều khu vực của Na Uy, đạt mức kỉ lục trong tuần trước khi ghi nhận 3.118 ca mới, tăng từ 1.718 ca trong tuần trước đó.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch COVID-19 cho người dân tại Athens, Hy Lạp, ngày 20/10/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Chính phủ Hy Lạp quyết định đóng cửa toàn quốc trong 3 tuần để ngăn chặn tình trạng tái bùng phát số ca mắc COVID-19. Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis cho biết những hạn chế mới sẽ có hiệu lực từ ngày 7/11. Ngày 4/11, quốc gia Nam Âu này ghi nhận 2.646 ca mới, cao nhất trong 1 ngày từ đầu dịch, đưa tổng số lên 46.892 ca với 673 ca tử vong. 

Tại châu Á, hãng tin Kyodo dẫn số liệu báo cáo chính thức cho biết ngày 5/11, Nhật Bản ghi nhận số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 trong một ngày vượt 1.000 ca. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 21/8 vừa qua, số ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ tại Nhật Bản trở lại mức 4 con số.  

Trong khi đó, một số quốc gia Đông Nam Á là Indonesia, Malaysia và Philippines tiếp tục ghi nhận thêm hàng nghìn ca nhiễm mới COVID-19 trong ngày. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Jakarta, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Indonesia tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng dịch bệnh nghiêm trọng nhất tại Đông Nam Á với 4.065 ca nhiễm mới (cao nhất trong 3 nước nói trên), nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 lên 425.796 người, trong đó 14.348 người đã tử vong.

Bộ Y tế Philippines thông báo thêm 1.594 ca nhiễm và 42 ca tử vong mới. Hiện nước này có tổng số ca nhiễm (389.725 ca) và số ca tử vong (7.409 ca) cao thứ hai Đông Nam Á.

Bộ Y tế Malaysia cùng ngày thông báo có 1.009 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 36.433 ca. Tổng số bệnh nhân tử vong do COVID-19 tại quốc gia này hiện là 277 người.

Nguyễn Hằng (TTXVN)
AFP: Châu Âu trở thành tâm dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19
AFP: Châu Âu trở thành tâm dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19

Theo thống kê của hãng tin AFP (Pháp) dựa trên số liệu của các cơ quan y tế, châu Âu đã trở thành tâm dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 khi ghi nhận số ca mắc bệnh cao nhất trên thế giới. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN